Thỏa thuận hạt nhân tạm thời giữa Iran và P5+1 có nguy cơ đổ vỡ

Quốc hội Iran ngày 3/2 đã nhất trí xem xét dự luật đề nghị chính phủ nước này nối lại tất cả hoạt động hạt nhân của Tehran trong trường hợp Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt mới.
Lò phản ứng nước nặng Arak gây tranh cãi của Tehran. (Nguồn: AP)

AFP dẫn nguồn truyền thông sở tại đưa tin, Quốc hội Iran ngày 3/2 đã nhất trí xem xét dự luật đề nghị chính phủ nước này nối lại tất cả hoạt động hạt nhân của Tehran trong trường hợp Mỹ tiến hành các biện pháp trừng phạt mới.

Theo một thỏa thuận tạm thời năm 2013, Iran đã ngừng hoạt động làm giàu urani của nước này để đổi lấy việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhất định. Tuy nhiên, hai thời hạn chót để đạt được một thỏa thuận đầy đủ nhằm ngăn cản lộ trình phát triển bom hạt nhân của Iran đều đã bị bỏ lỡ.

Nếu được thông qua, dự luật này sẽ hủy bỏ thỏa thuận tạm thời và làm tan biến những hy vọng đạt được một thỏa thuận lâu dài giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), vốn theo kế hoạch phải đạt được vào trước cuối tháng Sáu.

Dự luật được 220 trong tổng số 290 nghị sỹ ủng hộ cho biết nếu phải hứng chịu các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, "Iran phải hủy bỏ ngay lập tức thỏa thuận tạm thời Geneva và thực hiện một loạt biện pháp nhằm thực hiện các quyền hạt nhân của nước này."

Cũng theo dự luật, Iran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani và thúc đẩy công trình lò phản ứng nước nặng Arak gây tranh cãi của Tehran. Tuy nhiên, truyền thông không cho biết khi nào dự luật này có thể được đưa ra bỏ phiếu trước quốc hội./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục