Thỏa thuận giảm sản lượng của OPEC+ và tác động đối với châu Á

Trong bối cảnh các nền kinh tế châu Á còn đang bị phong tỏa, những nước này sẽ không thể tiêu thụ lượng dầu dồi dào trên thị trường thế giới, kể cả giá rẻ đến mức nào.
Toàn cảnh nhà máy chế biến dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Chuyên gia phân tích thị trường năng lượng Vandana Hari - nhà sáng lập công ty tư vấn Vanda Insights có trụ sở tại Singapore - nhận định rằng các nền kinh tế “khát” dầu mỏ ở châu Á có lẽ sẽ không bị "thiệt hại" bởi nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) như một số phân tích trước đó đã đề cập.

Để vực dậy giá dầu, tại cuộc họp trực tuyến hôm 12/4, các thành viên thuộc OPEC do Saudi Arabia dẫn đầu và những đối tác do Nga dẫn đầu đã nhất trí cắt giảm sản lượng ở mức cao kỷ lục là 9,7 triệu thùng dầu/ngày trong thời gian 2 tháng từ tháng 5-6/2020, tương đương khoảng 10% nguồn cung toàn cầu.

Sau đó, OPEC+ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng ở mức 7,7 triệu thùng/ngày trong nửa cuối năm 2020 và cắt giảm ở mức 5,8 triệu thùng/ngày trong 16 tháng sau đó cho đến khi kết thúc vào cuối tháng 4/2022.

Kết quả này đạt được sau 4 ngày đàm phán căng thẳng, trong đó có cuộc dàn xếp với Mexico.

[Một số nước OPEC+ họp thảo luận về biến động trên thị trường dầu mỏ]

Tuy nhiên, thỏa thuận này được cho là vẫn chưa đáp ứng được sự kỳ vọng của thị trường với quy mô cắt giảm là quá ít và hành động này là quá muộn.

Ông Craig Erlam, nhà phân tích thuộc công ty môi giới đầu tư OANDA, cho rằng thỏa thuận của OPEC+ không được đón nhận như đáng ra cần phải có, khi các nhà sản xuất chỉ đưa ra cam kết ở mức chấp nhận được sau nhiều ngày thảo luận.

Chuyên gia này giải thích thêm rằng mặc dù đây có thể là mức cắt giảm lớn nhất trong lịch sử, nhưng vẫn là quá ít ỏi nếu đặt trong bối cảnh thế giới đang trải qua một cuộc khủng hoảng chưa từng có và nhu cầu về dầu mỏ đã sụt giảm mạnh.

Theo phân tích trên mạng tin CNBC, chỉ tính riêng trong tháng Tư, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu có thể sẽ sụt giảm ít nhất 20 triệu thùng/ngày và hoàn toàn có thể giảm tới mức 30 triệu thùng/ngày, do các quốc gia áp dụng phong tỏa và các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp COVID-19 lan rộng trên toàn thế giới.

Giá dầu thô, vốn đã phục hồi rất chậm từ mức thấp trong 18 năm, đã không ghi nhận sự chuyển biến rõ rệt sau thỏa thuận của OPEC+.

Giá xăng dầu được niêm yết tại trạm xăng ở New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giới quan sát dự báo khi nguồn cung bị thắt chặt và, nếu đại dịch được kiểm soát, nhu cầu “vàng đen” ngày càng tăng có thể hỗ trợ giá dầu trong những tháng tới.

Có quan điểm cho rằng việc giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng đến quá trình phục hồi kinh tế của các quốc gia châu Á "khát" dầu mỏ, song mối quan ngại này dường như đã bị thổi phồng, trong khi thực tế là việc giá dầu thấp kéo dài sẽ đe dọa sự ổn định của nguồn cung trong tương lai.

Trong bối cảnh các nền kinh tế châu Á còn đang bị phong tỏa, những nước này sẽ không thể tiêu thụ lượng dầu dồi dào trên thị trường thế giới, kể cả giá rẻ đến mức nào. Đây là điểm cần lưu ý trước khi phân tích dựa vào quan điểm kinh tế là giá thấp sẽ thúc đẩy nhu cầu.

Một khi các nền kinh tế bắt đầu mở cửa trở lại, các guồng máy sẽ cần thời gian để khôi phục hoạt động. Do vậy, nhu cầu tiêu thụ dầu cũng sẽ không thể tăng vọt ngay lập tức.

Không thể phủ nhận rằng giá dầu rẻ hơn chắc chắn sẽ tạo ra lợi ích cho các nước tiêu thụ dầu lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, đặc biệt là khi các nước này phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, việc giá “vàng đen” duy trì ở mức thấp trong một thời gian dài sẽ đe dọa đến hoạt động sản xuất dầu mỏ ở một số khu vực. Khi đó, thế giới có thể phải chứng kiến cú sốc về nhu cầu dầu chuyển thành một cuộc khủng hoảng về nguồn cung vào thời điểm các quốc gia đang cần năng lượng để hồi phục sau đại dịch.

Một loạt nhà sản xuất dầu lớn ngoài OPEC như Mỹ, Canada, Brazil và Na Uy dự báo sản lượng giảm trong những tháng tới, do các công ty dầu mỏ phải đối mặt với áp lực tài chính và bắt đầu đóng cửa các giếng dầu và mỏ dầu. Canada và Na Uy đang cân nhắc việc áp đặt các biện pháp cắt giảm bắt buộc đối với các nhà sản xuất dầu trong nước.

Nhiều “người khổng lồ” dầu mỏ toàn cầu, các công ty dầu khí quốc gia và các nhà sản xuất tư nhân đã tuyên bố giảm vốn đầu tư cũng như hạ chi phí hoạt động cho năm 2020, và thậm chí là cả năm 2021.

Trong năm nay, mức giảm vốn đầu tư cho đến nay tổng cộng lên đến gần 59 tỷ USD, tương đương 25% kế hoạch chi tiêu ban đầu. Các dự án mới đang bị gác lại, còn hoạt động thăm dò - vốn đóng vai trò quan trọng nhằm xác định trữ lượng dầu để duy trì nguồn cung trong tương lai - cũng đang ngừng trệ.

Trước đó, hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí vốn đã ở trong trạng thái ảm đạm sau khi giá dầu lao dốc trong giai đoạn 2014-2016. Chu kỳ lên và xuống của giá dầu diễn ra ngày càng ngắn và phức tạp khiến các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đau đầu khi đưa ra quyết định đầu tư trong một thế giới hậu đại dịch.

Một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc khủng hoảng hiện nay là dầu đá phiến của Mỹ. Lĩnh vực này từng được coi điều kỳ diệu về công nghệ và cũng là trụ cột trong mục tiêu độc lập năng lượng của Mỹ.

Tuy nhiên, do giá dầu thấp, các nhà sản xuất dầu đá phiến đang phải cắt giảm mục tiêu đầu tư và thu hẹp sản xuất. Toàn cảnh “bức tranh” dầu đá phiến Mỹ sẽ có những thay đổi đáng kể với những vụ phá sản và hợp nhất, đặc biệt là giữa các nhà sản xuất vừa và nhỏ.

Sản lượng dầu từ nay đến cuối năm 2020 của Mỹ dự báo giảm 2 triệu thùng/ngày, trái ngược với mức tăng trưởng hàng năm mạnh mẽ kể từ năm 2017.

Tình trạng “đói vốn” trong lĩnh vực sản xuất và thăm dò dầu khí có thể làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu nói chung, nhưng đây sẽ là rủi ro nghiêm trọng đối với khu vực châu Á - dự kiến có nhu cầu dầu mỏ tăng nhanh nhất trong tương lai gần.

Việc thiếu đầu tư vào thăm dò và phát triển tài nguyên dầu mỏ sẽ làm giảm năng lực sản xuất dự phòng trong những năm tới, tạo ra nhiều biến động về giá và gây nguy hiểm cho an ninh năng lượng dài hạn.

Mặt khác, việc Mỹ thu hẹp sản xuất sẽ khiến các khách hàng châu Á mất đi một lựa chọn thay thế quan trọng trong trường hợp các nguồn cung dầu truyền thống bị đe dọa bởi căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông hay chiến sự ở Bắc Phi.

Bên cạnh đó, cần tính đến những rủi ro kinh tế mà đại dịch gây ra, cùng với giá dầu thấp sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà sản xuất dầu mỏ ở Trung Đông.

Thị trường dầu cần giữ được sự cân bằng và đây là mục tiêu mà liên minh OPEC+ đang nỗ lực tạo ra./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục