Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thúc đẩy làn sóng di cư mới sang Italy

Bộ Nội vụ Italy ước tính, nước này sẽ phải tiếp nhận khoảng 270.000 người di cư trong năm 2016, cao gấp 2,5 lần so với năm ngoái và vượt kỷ lục về số người được cứu trên biển.
Thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thúc đẩy làn sóng di cư mới sang Italy ảnh 1Người di cư tại khu vực Dikili, Thổ Nhĩ Kỳ. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo báo chí Italy, mối lo ngại về một làn sóng di cư mới bằng đường biển Địa Trung Hải sang nước này ngày càng tăng sau khi Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận vào ngày 20/3 và có hiệu lực từ 4/4.

Nhật báo La Repubblica cho biết, Bộ Nội vụ Italy ước tính, nước này sẽ phải tiếp nhận khoảng 270.000 người di cư trong năm 2016, cao gấp 2,5 lần so với năm ngoái và vượt kỷ lục về số người được cứu trên biển và đưa tới các cảng của Italy trong năm 2014 là 100.000 người.

Theo báo cáo của Bộ Nội vụ Italy, tính từ đầu năm tới ngày 30/3 đã có 18.234 người sử dụng con đường này tới Italy thành công, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái.

Điều đáng chú ý là kể từ khi EU và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận về việc ngăn chặn dòng người di cư từ nước này sang châu Âu vừa qua, số người tới các cảng biển của Italy qua Địa Trung Hải đã tăng cao gấp hai lần số người tới Hy Lạp qua biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ.

Năm ngoái, đã có hơn 700.000 người, chủ yếu là người Syria và Iraq tới châu Âu qua con đường này.

Tuy nhiên, sau thỏa thuận EU-Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Balkan tuyên bố đóng lại tuyến đường trung chuyển người di cư qua các nước của họ, số người qua tuyến này đã giảm hơn 10 lần, từ gần 1.000 người mỗi ngày xuống trung bình xấp xỉ 80 người mỗi ngày, trong thời điểm "con đường Balkan" đã bắt đầu đóng lại.

Trong khi đó, trong hai tuần qua, đã có hơn 5.000 người di cư đến các cảng của Italy, chủ yếu sau khi xuất phát từ Libya.

Bà Carlotta Sami, phát ngôn viên phụ trách khu vực Nam Âu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), cho biết, không chỉ xuất hiện một làn sóng di cư ồ ạt mới sang Italy, với số lượng lớn, mà còn với nhiều quốc tịch hơn trước đây, cho thấy trong thời gian tới, sau khi Hy Lạp trở thành một nơi bị cô lập, khi người di cư không thể di chuyển sang châu Âu được nữa, Italy sẽ là niềm hy vọng duy nhất mà người di cư từ Trung Đông và Bắc Phi hướng tới.

Ngoài vấn đề làn sóng di cư đến Italy đang tăng lên, nước này còn phải đối phó với tình trạng quá tải tại các trung tâm tiếp nhận.

Cho tới ngày 30/3, đã có gần 110.000 người di cư được đưa vào các trại tạm trú tại nước này, từ đó chờ phân loại và xem xét có cấp quy chế tị nạn hay không.

Bộ Nội vụ Italy cho rằng, số lượng người di cư đến Italy ngày càng tăng sẽ khiến hệ thống các trại này không đủ khả năng tiếp nhận và Italy sẽ phải sớm có biện pháp để đảm bảo có đủ chỗ ở cho những người mới tới, đồng thời thúc đẩy việc cấp quy chế tị nạn và nhanh chóng đẩy mạnh việc cho hồi hương những người đến nước này vì lý do kinh tế.

Còn theo báo chí Đức, để thực hiện Thỏa thuận hành động chung với EU về giải quyết khủng hoảng người di cư, Thổ Nhĩ Kỳ đã triển khai xây dựng hai trung tâm đăng ký nhằm sẵn sàng tiếp nhận người tị nạn từ Hy Lạp.

Cụ thể là tại khu vực Cesme đối diện với đảo Chios của Hy Lạp, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đang hoàn tất các khâu cuối cùng là lắp đặt hệ thống cáp và đường ống dẫn nước tại một trung tâm tiếp nhận trên diện tích rộng khoảng 500 m2.

Nơi đây được dựng một số lều, trong đó có cả thiết bị lấy dấu vân tay. Trung tâm thứ hai cho người tị nạn nằm ở Dikili, đối diện với đảo Lesbos của Hy Lạp.

Cả hai trung tâm này đều nằm ở đất liền thuộc tỉnh duyên hải Izmir, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ.

Đây không phải là trại tị nạn, mà chỉ là nơi tiếp nhận người tị nạn được nhận lại từ Hy Lạp.

Sau khi việc kiểm tra y tế và đăng ký hoàn tất, người tị nạn sẽ được đưa tới ổn định tại các trại tị nạn ở nước này.

Hiện Cơ quan Biên phòng châu Âu (Frontex) đã thuê hai tàu của Thổ Nhĩ Kỳ để đưa người tị nạn từ Lesbos tới cảng Dikili. Frontex cũng sẽ đưa 400 nhân viên tới đảo Lesbos để áp tải người tị nạn bị trục xuất về Thổ Nhĩ Kỳ.

Hiện một số nước như Đức, Lithuania và Estonia cũng đã đưa lực lượng chuyên môn cũng như cảnh sát và biên phòng tới Hy Lạp để tham gia triển khai kế hoạch đưa người tị nạn về Thổ Nhĩ Kỳ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục