Thỏa thuận đường sắt Trung Quốc-Philippines báo hiệu điều gì?

Tuyến đường sắt dài 71km này sẽ kết nối Khu Freeport ở Vịnh Subic với Sân bay Quốc tế Clark, nơi từng là địa điểm đặt 2 căn cứ quân sự lớn nhất của Washington bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.
(Nguồn: Wikipedia)

Theo trang mạng thediplomat.com, một trong những điều thú vị nhất trong chuyến công du 4 nước Đông Nam Á của Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị hồi cuối tháng Một là thông tin Philippines và Trung Quốc đã chính thức ký thỏa thuận xây dựng tuyến đường sắt nối hai căn cứ quân sự cũ của Mỹ trên đảo Luzon.

Tuyến đường sắt dài 71km này sẽ kết nối Khu Freeport ở Vịnh Subic với Sân bay Quốc tế Clark, nơi từng là địa điểm đặt 2 căn cứ quân sự lớn nhất của Washington bên ngoài lãnh thổ nước Mỹ.

Đại sứ Trung Quốc tại Philippines Hoàng Khê Liên mô tả tuyến đường sắt trị giá 940 triệu USD này là dự án lớn nhất do Chính phủ Trung Quốc tài trợ ở Philippines cho đến nay.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội Facebook, nhà ngoại giao này nhấn mạnh: “Sự hợp tác của chúng ta vẫn duy trì! Trung Quốc và Philippines vừa ký hợp đồng thương mại cho dự án đường sắt Subic-Clark.”

Vị đại sứ này cho biết việc xây dựng tuyến đường sắt trên sẽ mất khoảng 42 tháng để hoàn thành, trong thời gian đó sẽ có những cải thiện về “hiệu quả hậu cần và các hoạt động kinh tế khác” ở khu vực lân cận.

Ông Hoàng Khê Liên nêu rõ: “Sau khi hoàn thành, tuyến đường sắt này sẽ thiết lập các mối liên kết bền vững giữa các khu thương mại dọc theo hành lang Subic-Clark.”

Thỏa thuận này nhấn mạnh sự gần gũi giữa Trung Quốc và Philippines kể từ khi Tổng thống Rodrigo Duterte nhậm chức vào năm 2016.

Từ đó đến nay, ông Duterte bớt cường điệu các tranh chấp ở Biển Đông và tìm cách thu hút sự hỗ trợ của Bắc Kinh đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Trong chuyến thăm Philippines, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị đã nhắc lại những cam kết trước đây về tài trợ cơ sở hạ tầng cho Philippnes và cho biết Trung Quốc có kế hoạch tặng 500.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 cho quốc gia Đông Nam Á này như cam kết trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

[Lực lượng tuần duyên Philippines cân nhắc chuyển trụ sở tới Vịnh Subic]

Trước đó, Philippines đã mua gần 25 triệu liều vắcxin CoronaVac của Hãng dược Trung Quốc Sinovac Biotech.

Trong một tuyên bố, Phủ Tổng thống Philippines cho biết ông Vương Nghị đã “thông báo rằng Trung Quốc sẽ tặng 500.000 liều vắcxin ngừa COVID-19 cho Philippines, đồng thời khẳng định quyết tâm của Trung Quốc sẽ làm mọi thứ để đảm bảo rằng vắcxin trở thành hàng hóa toàn cầu.”

Tuyên bố từ văn phòng của Tổng thống Duterte cũng xác nhận rằng Vương Nghị “đã thông báo về việc hoàn tất” thỏa thuận Dự án Đường sắt Subic-Clark.

Vịnh Subic từng là nơi đặt căn cứ hải quân quy mô lớn của Mỹ, theo đó đóng vai trò như “cơ sở dịch vụ hậu cần và tiếp tế” cho lực lượng hải quân mở rộng toàn cầu của Washington.

(Nguồn: Wikipedia)

Mỹ đã chiếm giữ khu vực này sau chiến thắng trong Chiến tranh Tây Ban Nha-Mỹ năm 1898, và Vịnh Subic sau đó tiếp tục đóng  vai trò quan trọng trong mọi cuộc tham chiến của Mỹ ở nước ngoài trong thế kỷ XX. Khi người Mỹ rút quân hồi năm 1992, khu vực này được chuyển đổi thành Khu Freeport, Vịnh Subic.

Một quá trình chuyển đổi tương tự đã được thực hiện tại Căn cứ Không quân Clark trước đây của Mỹ ở phía Đông Bắc Philippines, nơi đã bị đóng cửa sau vụ núi lửa Pinatubo trên đảo Luzon phun trào vào giữa năm 1991 - một trong những vụ phun trào núi lửa lớn nhất trong thế kỷ XX.

Với lịch sử và tầm quan trọng của khu vực đối với sự hình thành sức mạnh toàn cầu của Mỹ, công trình xây dựng tuyến đường sắt do Trung Quốc tài trợ nối 2 căn cứ quân sự cũ của Mỹ này đang mang tính biểu tượng cao về sự chuyển dịch các mối quan hệ quyền lực ở Đông Nam Á.

Tuy nhiên, kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy rằng không nên xem xét thông báo trên theo giá trị bề ngoài của nó. Mặc dù Bắc Kinh đã hứa với chính quyền ông Duterte về việc tài trợ hàng tỷ USD cho chương trình phát triển cơ sở hạ tầng “Bulid, Build, Build” (Xây, xây, xây), song rất ít dự án trở thành hiện thực. Sau các buổi lễ ký kết bản ghi nhớ (MoU) được công bố rộng rãi, nhiều dự án sau đó đã gặp phải những rào cản quan liêu xung quanh việc mua lại và cấp phép đất.

Một phần của vấn đề này là bản chất phức tạp và quá nhiều trung tâm quyền lực trong nhà nước của Philippines; một phần nữa là do tình cảm nồng nhiệt của nhiều người dân Philippines đối với cường quốc thuộc địa cũ (Mỹ) và sự phản kháng trước việc chính quyền ông Duterte tuân theo mệnh lệnh của gã khổng lồ Trung Quốc.

Mặc dù chiến thắng bất ngờ của ông Duterte đã mang lại cho Trung Quốc một cơ hội mở rộng chiến lược đáng kể, nhưng vẫn có những giới hạn đối với việc mối quan hệ này có thể tiến triển bao xa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục