Thị trường chứng khoán thế giới đồng loạt tăng ngày 3/12 sau khi Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận đình chiến thương mại.
Các chỉ số chứng khoán tại Phố Wall đều tăng khi chốt phiên giao dịch ngày 3/12. Cụ thể, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 1,1% lên 25.826,43 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 1,1% lên 2.790,37 điểm, chỉ số công nghiệp Nasdaq tăng 1,5% lên 7.441,51 điểm.
Trong khi đó, tại thị trường London (Anh), chỉ số FTSE 100 tăng 1,2% lên 7.062. 41 điểm. Ở thị trường Paris (Pháp), chỉ số CAC 40 cũng tiến 1% lên 5.053,98 điểm.
Trên sàn giao dịch chứng khoán Frankfurt (Đức), chỉ số DAX 30 tăng 1,9% lên 11.465,46 điểm. Chỉ số tổng hợp EURO STOXX 50 tăng 1,3%, lên 3.214,99 điểm.
Tại châu Á, trên thị trường Tokyo, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 1% lên 22.574,76 điểm. Hai thị trường chứng khoán chính là Thượng Hải và Hong Kong ở Trung Quốc cũng ghi nhận sắc xanh. Cụ thể, chỉ số Shanghai Composite trên sàn Thượng Hải tăng 2,6% lên 2.654,80 điểm, còn chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 2,6% lên 27.182,04 điểm.
[Mỹ bổ nhiệm trưởng đoàn đàm phán thương mại với Trung Quốc]
Thị trường chứng khoán thế giới khởi sắc sau khi hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận đình chiến về thương mại cuối tuần qua, giúp hai nước tạm ngừng áp đặt các biện pháp trả đũa lẫn nhau, vốn là nguyên nhân gây chao đảo thị trường chứng khoán toàn cầu trong nhiều tháng qua.
Trước đó, ngày 1/12, tại cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý trì hoãn áp thuế bổ sung trong khi hai nước sẽ tiến hành các đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận thương mại trong vòng 90 ngày.
Mỹ hoãn việc tăng thuế từ 10% hiện nay lên 25% đối với gói hàng hóa nhập khẩu trị giá 200 tỷ USD từ Trung Quốc. Ngược lại, Trung Quốc đã đồng ý mua một lượng lớn hàng nông sản, năng lượng và các sản phẩm khác của Mỹ nhằm giảm thâm hụt thương mại song phương, đồng thời sẽ xem xét việc phê duyệt thỏa thuận mua lại công ty NXP của nhà sản xuất chip Mỹ Qualcomm mà trước đây bị Trung Quốc không thông qua do căng thẳng thương mại giữa hai nước leo thang.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng đồng ý giảm và dỡ bỏ thuế đánh vào mặt hàng ôtô nhập khẩu từ Mỹ vào Trung Quốc xuống dưới mức 40% hiện nay.
Tuy nhiên, nếu trong vòng 90 ngày, giới chức hai nước không đạt được thỏa thuận về các vấn đề thương mại như chuyển giao công nghệ, sở hữu trí tuệ, hàng rào phi thuế quan, đánh cắp công nghệ và nông nghiệp, hai bên đồng ý Mỹ sẽ tăng mức thuế từ 10% sẽ lên 25%.
Trong khi đó, các nhà phân tích cảnh báo không nên quá lạc quan về vấn đề này.
Hãng nghiên cứu Capital Economics bày tỏ hoài nghi về việc "thỏa thuận đình chiến thương mại" Mỹ-Trung sẽ "đánh dấu bước ngoặt" trong cuộc chiến thương mại bởi còn nhiều bất đồng giữa hai bên chưa được giải quyết như sở hữu trí tuệ, tiếp cận thị trường.
Theo hãng trên, sẽ không ngạc nhiên nếu kết quả đàm phán là Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận trong vòng 90 ngày.
Thỏa thuận đình chiến thương mại Mỹ-Trung cũng là một trong những yếu tố đẩy giá dầu thế giới tăng gần 4%. Cụ thể, khép phiên giao dịch ngày 3/12, giá dầu tại thị trường New York (Mỹ), giá dầu Brent Biển Bắc tăng 2,23 USD lên 61,69 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 2,02 USD, hay 3,97% và đóng phiên ở mức 52,95 USD/thùng.
Ngoài ra, giá dầu cũng nhận được lực đẩy từ một thông báo của tỉnh Alberta, Canada, cho biết tỉnh này sẽ buộc các nhà sản xuất phải cắt giảm 8,7% sản lượng, hay 325.000 thùng/ngày, để giải quyết tình trạng lượng dầu dự trữ liên tục gia tăng.
Dự kiến OPEC sẽ nhóm họp vào ngày 6/12 tới để bàn vể chính sách sản xuất và sản lượng. Tổ chức này, cùng với Nga, được dự đoán sẽ tuyên bố cắt giảm sản lượng nhằm hạn chế tình trạng dư cung vốn đã khiến giá dầu giảm khoảng 1/3 kể từ tháng 10 vừa qua./.