Cuối cùng thì cuộc “mặc cả” đầy cam go giữa Liên minh châu Âu (EU) và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư cũng kết thúc bằng một thỏa thuận tạm làm hài lòng cả hai bên.
Tuy nhiên, việc triển khai thỏa thuận đang vấp phải nhiều trở ngại, khiến dư luận châu Âu lo ngại những nhượng bộ đáng kể mà EU chấp nhận để giải quyết cuộc khủng hoảng liệu có đem lại những hệ quả khôn lường vượt ngoài tầm kiểm soát hay không.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được hầu hết các điều kiện đặt ra khi EU chấp thuận đẩy nhanh tiến trình đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU vốn bị trì hoãn nhiều năm qua; thực hiện lộ trình miễn thị thực nhập cảnh, theo đó muộn nhất là từ cuối tháng Sáu sẽ dỡ bỏ những quy định thị thực đối với các công dân Thổ Nhĩ Kỳ; tiếp tục xúc tiến khoản tiền hỗ trợ 3 tỷ euro (3,39 tỷ USD) và bổ sung 3 tỷ euro nữa vào cuối năm 2018.
Với việc Ankara đồng ý tiếp nhận trở lại những người tị nạn đến Hy Lạp bất hợp pháp kể từ ngày 20/3, EU có thể giải tỏa khoảng 40.500 người nhập cư đang mắc kẹt trong các khu trại vốn lâu nay luôn trong tình trạng quá tải của Hy Lạp.
EU hy vọng với việc thực hiện thỏa thuận trên, người di cư sẽ từ bỏ hành động vượt biển liều lĩnh đến Hy Lạp. Thay vào đó, họ sẽ ở lại Thổ Nhĩ Kỳ và các nước khác ở Trung Đông. Nhờ đó, Đức và các nước EU còn lại sẽ tránh phải tiếp nhận thêm người nhập cư.
Tuy nhiên, việc thực hiện thỏa thuận khó khăn ngay từ với Hy Lạp - quốc gia cửa ngõ EU.
Với một nền kinh tế thực sự kiệt quệ sau 6 năm thực hiện chính sách khắc khổ, lại phải đương đầu với lượng người tị nạn khổng lồ, Athens hiện không có đủ nguồn nhân lực và tài chính để thực hiện bước đầu tiên của thỏa thuận là lên danh sách và làm thủ tục cho người tị nạn rời Hy Lạp trở về Thổ Nhĩ Kỳ.
Dù các đối tác EU cam kết gửi lực lượng hỗ trợ gồm khoảng 2.300 người, trong đó có 400 chuyên gia về tị nạn và 400 phiên dịch, song trên thực tế, các vấn đề tổ chức và nhân sự này tiêu tốn khá nhiều thời gian và tiền bạc.
Việc Chính phủ Hy Lạp ngày 20/3 tuyên bố chưa thể bắt đầu gửi người tị nạn trở lại Thổ Nhĩ Kỳ phần nào cho thấy quá trình thực thi thỏa thuận còn khá gian nan.
Các đợt gửi người nhập cư ngược lại Thổ Nhĩ Kỳ dự kiến bắt đầu từ ngày 4/4 tới.
Tám chiếc tàu của Cơ quan biên giới châu Âu, với sức chứa từ 300 đến 400 người, sẽ được điều động để chở người nhập cư.
Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề cực kỳ phức tạp về mặt pháp lý khi Liên hợp quốc từng cảnh báo EU có thể vi phạm nhân quyền nếu trục xuất hàng loạt người tị nạn về Thổ Nhĩ Kỳ.
Bên cạnh đó, cam kết của EU về kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ cũng không dễ dàng thực hiện.
Vòng đàm phán về việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU được khởi động năm 2005, song cho tới nay vẫn bế tắc do nhiều nguyên nhân. Thậm chí nhiều nước EU vẫn kiên quyết cho rằng Ankara không thể có chỗ đứng trong "ngôi nhà chung châu Âu.”
Giới phân tích nhận định cam kết trên sẽ buộc các nước EU phải thay đổi chính sách, thậm chí có thể phải từ bỏ những nguyên tắc và giá trị cốt lõi của mình để kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc miễn thị thực giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ cũng làm nảy sinh không ít lo ngại bởi nó đồng nghĩa với việc số người tới châu Âu sẽ tăng mạnh, kéo theo những nguy cơ lớn, bao gồm cả an ninh.
Sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan tiến hành tại Pháp, người dân EU có lý do để lo sợ khi có tới 75 triệu người Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ được miễn thị thực du lịch vào châu Âu. Đó là chưa kể tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ mới chỉ đáp ứng 10 trong số 72 tiêu chuẩn về miễn thị thực của EU.
Đó còn chưa kể tới việc một khi EU phải nhượng bộ về tài chính và chính trị, Ankara có thể tiếp tục gây sức ép đòi thêm lợi ích và áp đặt các điều kiện mới, bởi Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần dọa sẽ đẩy thêm người nhập cư tới châu Âu nếu yêu cầu của họ không được đáp ứng. Khi đó, EU sẽ lâm vào thế “tiến thoái lưỡng nan.” Khi đó, cái giá phải trả để đổi lấy sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ có thể là quá đắt.
Một trong những điều khoản gây nhiều tranh cãi nhất trong thỏa thuận EU/Thổ Nhĩ Kỳ là nguyên tắc “một đổi một,” theo đó EU sẽ tiếp nhận 1 người tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ để đổi lấy việc Ankara nhận lại một người từ Hy Lạp.
Điều này khiến số người tị nạn được đưa tới châu Âu vẫn là một con số “mở” mà EU không thể tự quyết định.
Thay vì tập trung ở Hy Lạp, từng nước EU sẽ phải tiếp nhận thêm người tị nạn, trong khi thỏa thuận chia sẻ người tị nạn từ Hy Lạp tới các nước EU hầu như vẫn nằm trên giấy.
Thực tế cho thấy dù thỏa thuận giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ đã có hiệu lực từ ngày 20/3, song hàng nghìn người di cư vẫn đổ tới Hy Lạp.
Khi mà dòng người chạy trốn chiến tranh, xung đột và nghèo đói từ khu vực Trung Đông-Bắc Phi vẫn không ngừng gia tăng, thì chẳng có gì bảo đảm rằng việc chặn tuyến đường qua Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giúp EU thoát khỏi cuộc khủng hoảng người di cư.
Những người tị nạn tuyệt vọng vẫn sẽ tìm mọi cách để đến châu Âu qua các tuyến đường khác như Libya - nơi hiện chưa có một chính phủ hoạt động đầy đủ chức năng. Vì thế, hiệu quả từ thỏa thuận EU/Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là câu hỏi còn để ngỏ./.