Theo AFP, Reuters, AP, Đài TNHK và Đài RFI, sau 7 năm đàm phán nhọc nhằn, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc đã kết thúc “năm đại dịch 2020” bằng việc thông qua “về mặt nguyên tắc” một thỏa thuận đầu tư lớn.
Theo AFP, thỏa thuận này được coi là một cú hích cho dòng đầu tư giữa hai bên trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 và cũng là một chiến thắng chính trị quan trọng cho Trung Quốc trước chính quyền sắp nhậm chức của Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden.
Hiệp định đầu tư này cũng thể hiện rằng châu Âu đặt vấn đề đầu tư lên trên các quan ngại về nhân quyền tại Trung Quốc. Hiệp định hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội lớn cho các công ty của châu Âu tại thị trường Trung Quốc, song cũng có nguy cơ gây khó chịu cho chính quyền mới tại Washington.
Cột mốc quan trọng trong quan hệ EU-Trung Quốc
Thỏa thuận trên được ký kết sau một cuộc họp trực tuyến giữa những người đứng đầu các thể chế của EU - trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merlel, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen - với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong bài viết đăng tải sau khi hai bên ký kết thỏa thuận, hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Tân Hoa xã đã dẫn lời ông Tập Cận Bình gọi thỏa thuận đầu tư giữa hai bên là thỏa thuận “cân bằng, tiêu chuẩn cao và mang lại lợi ích chung.”
Ông nói: “Thỏa thuận này sẽ mang lại sự tiếp cận thị trường lớn hơn, môi trường thương mại rộng lớn hơn, những đảm bảo về mặt thể chế mạnh mẽ hơn và những triển vọng hợp tác tươi sáng hơn cho mối quan hệ đầu tư song phương.”
Chủ tịch Trung Quốc còn nhấn mạnh hiệp định đầu tư này sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phục hồi kinh tế toàn cầu trong giai đoạn hậu đại dịch, củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế vào sự toàn cầu hóa kinh tế và tự do thương mại, đóng góp đáng kể vào việc xây dựng một nền kinh tế thế giới mở cửa.
Về phần mình, các lãnh đạo châu Âu cũng được Tân Hoa xã dẫn lời cho biết bất chấp sự tác động của đại dịch COVID-19, châu Âu và Trung Quốc vẫn duy trì được sự liên hệ chặt chẽ ở cấp cao trong năm nay và đã đạt được những tiến triển quan trọng trong hàng loạt vấn đề, trong đó có thỏa thuận về các chỉ dẫn về địa lý.
Hãng Reuters dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen gọi thỏa thuận này là một cột mốc quan trọng trong mối quan hệ của EU với Trung Quốc.
Từ Paris, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhấn mạnh mối quan hệ giữa EU và Trung Quốc đã được củng cố trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục phát triển như thế. Ông đề xuất trong những tháng tới đây sẽ cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel tới thăm Trung Quốc để thảo luận về các lĩnh vực hợp tác song phương.
[Liên minh châu Âu và Trung Quốc hoàn tất đàm phán về hiệp định đầu tư]
Brussels cho biết hiệp định này “sẽ giúp cân bằng mối quan hệ thương mại và đầu tư giữa EU và Trung Quốc,” đồng thời tạo ra một “mức độ tiếp cận thị trường chưa từng có” cho các nhà đầu tư châu Âu.
Theo Đài TNHK, hiệp định này cho phép các công ty châu Âu hoạt động tại Trung Quốc trong các lĩnh vực như ô tô điện, bệnh viện tư nhân, bất động sản, quảng cáo, công nghiệp hàng hải, dịch vụ đám mây viễn thông, hệ thống đặt mua vé máy bay và dịch vụ mặt đất của ngành hàng không.
Một số quy định về việc các công ty này phải liên doanh với các đối tác Trung Quốc sẽ được dỡ bỏ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng sẽ cấm việc ép buộc chuyển giao công nghệ từ các công ty nước ngoài, đồng thời cam kết minh bạch hơn về trợ cấp và cấm các doanh nghiệp nhà nước phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thỏa thuận này cũng mang lại cho châu Âu một mức độ ngang bằng trong quan hệ thương mại với Trung Quốc so với Mỹ, nước đã đạt được thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Bắc Kinh.
Chiến thắng chính trị của Bắc Kinh
Theo AFP, trong bối cảnh Trung Quốc đang trải qua hàng loạt cuộc chiến ngoại giao trên nhiều mặt trận khác nhau, đặc biệt là cuộc đối đầu nguy hiểm nhất với đối thủ siêu cường Mỹ, về các vấn đề thương mại, an ninh, công nghệ và nhân quyền, thỏa thuận này được coi như một chiến thắng ngoại giao của Bắc Kinh và có tiềm năng kéo châu Âu về phe mình trước khi Biden bước vào Nhà Trắng.
Mikko Huotari, Giám đốc Viện Nghiên cứu Trung Quốc Mercator, nhận định với AFP: “Đối với Bắc Kinh, thỏa thuận này sẽ đem lại cho họ một chiến thắng chính trị mang tính biểu tượng cao, nó thể hiện rằng Trung Quốc đang làm việc với các đối tác quốc tế lớn để thúc đẩy sự toàn cầu hóa.”
Cùng chung nhận định, chuyên gia Hosuk Lee Makiyama, Giám đốc hãng tư vấn thương mại ECIPE, được Reuters dẫn lời cho biết mặc dù trên văn bản, hiệp định không đề cập nhiều đến những lợi ích cụ thể mà Bắc Kinh có được, song Trung Quốc sẽ không ký kết một thỏa thuận mà không có chút hứa hẹn nào về lợi ích cho mình.
Ông nói: “Chẳng có một cường quốc nào, chứ không chỉ là Trung Quốc, lại cho đi cái gì miễn phí cả, vì vậy đây sẽ là một sự trao đổi, chứ không chỉ là một thỏa thuận.”
Trong bối cảnh tập đoàn công nghệ khổng lồ Huawei của Trung Quốc đã bị cấm tại thị trường thiết bị 5G ở nhiều nước châu Âu, Bắc Kinh đã đưa ra những yêu cầu đảm bảo quyền tiếp cận với các thị trường chung trong khối và với các lĩnh vực như viễn thông và cơ sở hạ tầng năng lượng.
Thương mại vượt lên trên những khúc mắc của EU
Theo hãng tin Reuters, thỏa thuận được ký kết chỉ 1 ngày sau khi EU chỉ trích Trung Quốc vì đã tống giam một nhà báo đã đưa tin về những ca mắc COVID-19 đầu tiên và trước đó là hàng loạt lời kêu gọi Bắc Kinh tôn trọng các dân tộc thiểu số và chấm dứt đàn áp Hong Kong.
Cụ thể, hãng AP dẫn nguồn các quan chức EU cho biết thỏa thuận được ký sau khi phía Trung Quốc đã cam kết thông qua các điều lệ của Tổ chức Lao động Quốc tế về vấn đề cưỡng bức lao động.
Ngày 29/12/2020, EU bày tỏ những quan ngại về “những hạn chế về tự do ngôn luận, tiếp cận thông tin và sự hăm dọa, giám sát các nhà báo, cũng như các vụ bắt giữ, tống giam và kết án những nhà bảo vệ nhân quyền, các luật sư và giới tri thức tại Trung Quốc.”
Theo thông báo từ văn phòng của mình, Tổng thống Pháp Macron cũng nhấn mạnh “những quan ngại về vấn đề nhân quyền và kêu gọi đóng cửa các trại giam giữ tại Trung Quốc,” đồng thời ủng hộ những “biện pháp cấm cưỡng bức lao động” và bày tỏ hy vọng sẽ có “một chuyến viếng thăm của các chuyên gia độc lập đến từ Liên hợp quốc.”
Theo AFP, đây cũng là những lý do chính khiến giới phê bình cho rằng EU không nên đặt bút ký thỏa thuận này vào thời điểm hiện nay. Ngoài ra, châu Âu cũng có nguy cơ đánh mất niềm tin của các đối tác cùng chung chí hướng như Mỹ, Australia và Anh khi hoàn tất thỏa thuận trước khi một chiến lược lớn hơn có thể được hình thành để kiểm soát các tham vọng của Trung Quốc.
AP cho biết thỏa thuận này có nguy cơ kích động căng thẳng với chính quyền mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden khi mà nó được ký kết chỉ vài tuần sau khi EU đề xuất một cuộc đối thoại liên Đại Tây Dương với Mỹ để xử lý “những thách thức chiến lược mà Trung Quốc đặt ra với thái độ ngày càng hung hăng trên trường quốc tế của mình.”
Về phía Mỹ, AFP cho biết trong một dấu hiệu thể hiện sự lo lắng của mình về hiệp định EU-Trung Quốc, người được cho là cố vấn an ninh quốc gia sắp tới của chính quyền Biden, ông Jake Sullivan hồi tuần trước đã đăng tải một dòng tweet đầy khó hiểu, trong đó hối thúc “những cuộc tham vấn sớm với các đối tác châu Âu của chúng ta về các vấn đề chung liên quan đến những hành vi kinh tế của Trung Quốc.”
Theo Đài RFI, vào giữa tháng 12/2020, các nghị sỹ châu Âu đã thông qua một nghị quyết lên án Trung Quốc cưỡng bức lao động các sắc tộc thiểu số Duy Ngô Nhĩ, Kazakhstan và Kirghizstan. Nghị sỹ Glucksmann cảnh báo là không chắc Nghị viện châu Âu sẽ bật đèn xanh cho hiệp định đầu tư. Ông nói: “Nếu Nghị viện bằng lòng với những cam kết không có tính chất ràng buộc của Trung Quốc, thì đây sẽ là dấu hiệu của một sự thiếu nhất quán sâu sắc.”
Về phần mình, quan chức cao cấp của EU bảo đảm rằng khối này sẽ sử dụng các công cụ chế tài của khối này trong trường hợp Bắc Kinh không tôn trọng các cam kết của họ. Điều trớ trêu là EU và Trung Quốc thông qua về nguyên tắc hiệp định bảo hộ đầu tư đúng vào ngày mà tòa án tỉnh Thâm Quyến vừa tuyên án tù đối với 10 nhà hoạt động Hong Kong về tội “vượt biên trái phép.”
Chỉ cách đây không lâu, nhà báo công dân Trương Triển vừa lãnh án 4 năm tù giam vì đã tường thuật trung thực về dịch COVID-19 ở Vũ Hán. EU đã yêu cầu Bắc Kinh trả tự do cho Trương Triển và 12 nhà hoạt động Hong Kong bị Trung Quốc bắt giữ.
Tuy lên tiếng chỉ trích về nhân quyền như thế, nhưng EU không thể từ bỏ mục tiêu ký kết một hiệp định bảo hộ đầu tư với Trung Quốc, bởi vì hiện nay tổng số vốn đầu tư của châu Âu ở Trung Quốc rất lớn, lên tới gần 150 tỷ euro, còn đầu tư của Trung Quốc vào EU cũng đã là 113 tỷ. Cũng vì lý do đó, Nghị viện châu Âu chắc là cũng sẽ phê chuẩn hiệp định, bất chấp sự phản đối của một số nghị sỹ./.