Thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC+ đối mặt nhiều trắc trở

OPEC+ đã không thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng vì Mexico đã hoãn ký vào văn kiện sau khi nước này bày tỏ ngần ngại trong việc cắt giảm sản lượng được yêu cầu.
Bảng giá xăng dầu tại trạm xăng ở Rzeszow, đông nam Ba Lan ngày 23/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Bảng giá xăng dầu tại trạm xăng ở Rzeszow, đông nam Ba Lan ngày 23/3/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp những nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận cắt giảm sản lượng mang tính lịch sử của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, thỏa thuận này vẫn bị nghi ngờ về tính hiệu quả của nó trong việc hỗ trợ giá dầu, cũng như chưa nhận được sự ủng hộ từ nhiều nước khác, trong đó có Mỹ và Mexico.

OPEC+ ngày 9/4 đã vạch ra kế hoạch cắt giảm hơn 20% sản lượng dầu thô của mình, đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ và các nhà sản xuất dầu mỏ khác cùng nỗ lực để nâng giá "vàng đen," vốn đã bị tác động mạnh từ cuộc khủng hoảng do đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Tuy nhiên, OPEC+ đã không thể đạt được một thỏa thuận cuối cùng vì Mexico đã hoãn ký vào văn kiện sau khi nước này bày tỏ ngần ngại trong việc cắt giảm sản lượng được yêu cầu thực hiện.

Các cuộc thảo luận dự kiến sẽ được nối lại trong ngày 10/4 khi các bộ trưởng năng lượng Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tổ chức các cuộc họp bổ sung.

[Giá dầu thế giới đi xuống phiên 9/4 bất chấp thỏa thuận của OPEC+]

Mức cắt giảm dự kiến của OPEC+ lên đến 10 triệu thùng/ngày, tương đương 10% nguồn cung toàn cầu, bên cạnh mức cắt giảm thêm 5 triệu thùng/ngày được kỳ vọng sẽ đến từ các nước sản xuất dầu khác nhằm góp phần ứng phó với cuộc khủng hoảng dầu mỏ nặng nề nhất trong hàng chục năm qua.

Tuy nhiên, nhu cầu nhiên liệu toàn cầu đã giảm khoảng 30 triệu thùng/ngày, tương đương 30% nguồn cung trên toàn thế giới, trước tác động từ những biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19. Vì vậy, tổng mức cắt giảm 15 triệu thùng/ngày chưa từng có nói trên vẫn không đủ để kìm hãm sự gia tăng trong nguồn cung dầu toàn cầu.

Cùng lúc đó, không chỉ không cho thấy sự sẵn sàng tham gia vào thỏa thuận cắt giảm nói trên, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn cảnh báo Saudi Arabia có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt và thuế áp đặt với dầu mỏ nước này, nếu Riyadh không cắt giảm sản lượng đủ để hỗ trợ ngành dầu mỏ của Mỹ, khi chi phí cao khiến các nhà sản xuất dầu của nước này “vật lộn” với giá dầu thấp.

Trong một dấu hiệu khác cho thấy OPEC+ đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm sự ủng hộ từ các nước khác, tỉnh sản xuất dầu chủ yếu của Canada Alberta cho biết sản lượng dầu ở đây đã giảm từ trước và tỉnh này cũng chưa nhận được yêu cầu cắt giảm thêm từ OPEC.

Alberta cũng ủng hộ ý tưởng của Mỹ về việc đánh thuế dầu nhập khẩu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục