Thỏa thuận Brexit mới khiến quan hệ kinh tế Anh-EU xa cách hơn

Bộ Tài chính Anh và hầu hết các nhà kinh tế nước ngoài đều nhận định việc gia tăng các rào cản thương mại sẽ khiến kinh tế Anh tăng trưởng chậm hơn so với việc tiếp tục ở lại EU.
Thỏa thuận Brexit mới khiến quan hệ kinh tế Anh-EU xa cách hơn ảnh 1Quốc kỳ Anh (phía trên) và cờ Liên minh châu Âu (phía dưới) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London. (Ảnh: THX/TTXVN)

Anh sẽ có các mối quan hệ kinh tế xa cách hơn với Liên minh châu Âu (EU) nếu Thủ tướng Borish Johnson giành được sự ủng hộ của Quốc hội đối với thỏa thuận Brexit mà London vừa đạt được các nhà lãnh đạo EU ngày 17/10.

So với thỏa thuận mà người tiền nhiệm của ông Johnson là bà Therasa May đạt được trong năm ngoái và đã bị Quốc hội Anh bác bỏ ba lần, kế hoạch của ông Johnson ít nhằm đến những sắp xếp về quy định với EU hơn và làm gia tăng các rào cản thương mại giữa Anh với khối này.

Theo ông Anand Menon, Giám đốc The UK in a Changing Europe, nhóm tư vấn thuộc King's College (London), thỏa thuận Brexit mới vừa đạt được sẽ gây ra những tác động lớn hơn về kinh tế đối với Anh.

[EC cảnh báo hậu quả về việc nghị sỹ Anh không thông qua thỏa thuận]

Bộ Tài chính Anh và hầu hết các nhà kinh tế nước ngoài đều nhận định việc gia tăng các rào cản thương mại sẽ khiến kinh tế Anh tăng trưởng chậm hơn so với việc tiếp tục ở lại EU và những thiệt hại sẽ lớn hơn khi các rào cản thương mại gia tăng.

Dựa trên những gì nắm được về kế hoạch của ông Johnson trong tuần trước, The UK in a Changing Europe dự báo GDP bình quân đầu người của Anh sẽ giảm 6% so với việc nước này vẫn nằm trong liên minh, tương đương với khoảng 2.000 bảng (2.570 USD)/năm trong trung hạn.

Trong khi đó, mức giảm theo kế hoạch của bà May là chưa đến 5%. Còn trong trường hợp Brexit không thỏa thuận, tức là hoạt động thương mại giữa Anh với EU sẽ tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, mức giảm là trên 8%.

Ông Menon cho rằng với thỏa thuận cuối cùng vừa đạt được, những tính toán trên sẽ không thay đổi nhiều. Ông nhận định Thủ tướng Johnson sẽ bác bỏ các yêu cầu về "sân chơi công bằng" mà EU muốn như là một điều kiện cho quan hệ thương mại gần gũi trong tương lai.

Nhà kinh tế Dean Turner, thuộc UBS Wealth Management, nhận xét rằng có thể thỏa thuận mới sẽ có tác động tích cực trước mắt đối với tăng trưởng kinh tế Anh, nhưng không đủ để đưa Anh ra khỏi xu hướng tăng trưởng yếu và có quá nhiều yếu tố không chắc chắn về môi trường thương mại dài hạn.

Trong khi thỏa thuận mà ông Johnson nhất trí được cho là gần như giống với thỏa thuận mà người tiền nhiệm đã đạt được, giới phân tích nhấn mạnh rằng mong muốn của bà May về quan hệ thương mại gần gũi với EU trong tương lai đã được giảm nhẹ trong thỏa thuận mới.

Trước đó, ngày 17/10, lãnh đạo 27 nước thành viên EU đã nhất trí thông qua thỏa thuận Brexit mới với chính phủ Anh. Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk, cho biết Anh đã chấp thuận thiết lập các trạm kiểm soát hải quan tại khu vực biển Ireland, nhằm tránh đường biên giới cứng và đảm bảo "sự toàn vẹn của thị trường chung."

Theo ông Tusk, hiện chỉ còn "chờ đợi những lá phiếu tại Hạ viện Anh," trong bối cảnh Thủ tướng Johnson đang tìm kiếm sự ủng hộ trong cuộc bỏ phiếu vào ngày 19/10.

Ông Tusk nói rằng nếu có đề xuất xin lùi ngày Anh rời EU thì ông sẽ trao đổi với lãnh đạo các nước EU, đồng thời khẳng định hiện "quả bóng đang ở trên sân của Anh"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục