Ngày 6/11, Đại sứ quán Thổ Nhĩ Kỳ tại Mỹ tuyên bố sẽ nối lại việc cấp thị thực một cách giới hạn thông qua phái bộ ngoại giao của nước này tại Mỹ.
Thông báo được đưa ra sau khi Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng cho biết đã nối lại một số dịch vụ cấp thị thực tại các cơ sở ngoại giao của Mỹ tại nước này, báo hiệu những chuyển biến tích cực trong mối quan hệ giữa 2 nước.
Đây là các diễn biến mới nhất một ngày trước thềm chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim. Quan chức Ankara dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence.
[Mỹ đặt tiêu chuẩn mới cho những người xin thị thực từ 6 nước Hồi giáo]
Chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Yildirim lần này sẽ tập trung vào vấn đề dẫn độ giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen hiện đang sống lưu vong tại Pennsylvania, Mỹ, người bị chính quyền Ankara cáo buộc chủ mưu vụ đảo chính quân sự bất thành tại nước này hồi tháng 7 năm ngoái.
Căng thẳng giữa hai nước nảy sinh khi nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ một nhân viên Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Istanbul, do nghi ngờ có quan hệ với nhóm mà chính quyền Ankara cáo buộc đứng sau cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7/2016.
Phản đối vụ bắt giữ này, Mỹ đã quyết định ngừng cấp thị thực không định cư cho các nhân viên ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, dẫn tới việc Ankara áp dụng biện pháp trả đũa tương tự và ra lệnh bắt giữ thêm một nhân viên khác làm việc cho lãnh sự quán Mỹ.
Ngoài ra, quan hệ giữa Washington và Ankara xấu đi do quyết định của Mỹ vũ trang cho người Kurd tại Syria mà Ankara coi là "những phần tử khủng bố."
Vấn đề dẫn độ giáo sỹ Gulen cũng khiến chính giới hai nước bất đồng. Đây là một trong những căng thẳng ngoại giao nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ qua giữa hai quốc gia vốn là đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này./.