Ngày 31/12, thêm một nghĩ sỹ thuộc Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hasan Hami Yildirim đã tuyên bố từ chức trong bối cảnh nước này đang lâm cuộc khủng hoảng chính trị do nhiều quan chức cấp cao bị cáo buộc tham nhũng.
Ông Yildirim đã chỉ trích chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan gây sức ép lớn đối với bộ máy tư pháp trong hoạt động điều tra tham nhũng và hối lộ, đẩy Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào cuộc khủng hoảng chính trị tồi trước thềm cuộc bầu cử vào tháng 3/2014.
Sự rút lui của nghị sỹ Yildirim khiến số ghế của AKP giảm xuống còn 320 trên tổng số 550 ghế trong quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ. Kể từ khi các cuộc điều tra tham nhũng bắt đầu, đã có 5 nghị sỹ, bao gồm một cựu Bộ trưởng Văn hóa, rời bỏ AKP.
Giới quan sát nhận định bất ổn chính trị hiện nay tại Thổ Nhĩ Kỳ bắt nguồn từ mẫu thuẫn giữa đảng AKP cầm quyền và phong trào do Giáo sỹ Fethullah Gulen, hiện đang sống lưu vong tại Mỹ, đứng đầu, liên quan đến việc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có kế hoạch đóng cửa mạng lưới các trường tư thục, một nguồn thu tài chính chủ yếu của nhóm này.
Trước đó, chính phủ đã sa thải một loạt quan chức cảnh sát, được cho là nhằm hạn chế ảnh hưởng của phong trào Gulen, "thanh lọc" các phần tử của phong trào này, hiện đang nắm giữa nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan cảnh sát, tòa án và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babacan tuyên bố bất ổn chính trị do các vụ bê bối tham nhũng sẽ không ảnh hưởng tới dự báo tăng trưởng kinh tế của nước này.
Trước đó một ngày, Phó Thủ tướng kiêm người phát ngôn của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc cảnh báo khủng hoảng chính trị có thể làm nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 100 tỷ USD do các thị trường tài chính đồng thời mất giá.
Tuần trước, đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ đã xuống mức thấp kỷ lục giữa lúc các cuộc biểu tình quy mô lớn đòi chính phủ từ chức bùng phát.
Trước những lo ngại trên, ông Babacan khẳng định những rủi ro hiện tại chỉ có tính chất "tạm thời"./.