Ngày 30/4, người phát ngôn của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Ibrahim Kalin đã có cuộc gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tại thủ đô Kiev. Cùng ông Kalin tới Kiev còn có Thứ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Sedat Onal.
Tuy những thông tin chi tiết về nội dung cuộc gặp trên chưa được công bố, nhưng Ankara đang là trung gian hòa giải xung đột giữa Ukraine và Nga.
Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có chung đường biên giới với Ukraine và Nga ở Biển Đen, có quan hệ tốt với cả hai nước này và đã đóng vai trò trung gian hòa giải.
Hồi tháng 3 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc gặp giữa các nhà đàm phán Moskva và Kiev tại Istanbul và một cuộc gặp khác giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Antalya.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đang tìm cách mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh ở Istanbul giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Zelensky.
[Thổ Nhĩ Kỳ không tham gia tập trận chung NATO vì bất đồng với Hy Lạp]
Trong một cuộc điện đàm mới đây với Tổng thống Putin, ông Erdogan nêu rõ Thổ Nhĩ Kỳ muốn "thiết lập một nền hòa bình lâu dài trong khu vực càng sớm càng tốt, bằng cách gia tăng động lực đạt được trong các cuộc đàm phán ở Istanbul."
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 30/4 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Ukraine, ông Dmytro Kuleba thảo luận về sự hỗ trợ của Washington đối với Kiev.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, ông Blinken đã cập nhật kế hoạch đưa các nhà ngoại giao Mỹ trở lại Ukraine và thủ đô Kiev trong thời gian sớm nhất.
Hai nhà ngoại giao cũng thảo luận về gói viện trợ bổ sung khẩn cấp trị giá 33 tỷ USD do chính quyền Biden đề xuất với Quốc hội Mỹ ngày 28/4 nhằm hỗ trợ Ukraine về an ninh, kinh tế và nhân đạo để đối phó chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Trong diễn biến thực địa, ngày 30/4, một nhóm 20 dân thường đã được sơ tán khỏi nhà máy thép Azovstal, ở thành phố cảng Mariupol (Đông Nam Ukraine).
Trước đó, Văn phòng Tổng thống Ukraine cho biết ông Zelensky và Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã có cuộc hội đàm, thảo luận về việc sơ tán người dân khỏi thành phố Mariupol.
Tại cuộc hội đàm, ông Guterres cho rằng cần thiết lập những hành lang nhân đạo hiệu quả từ Mariupol, đồng thời tiếp tục kêu gọi các bên xung đột ngừng bắn hoàn toàn cũng như đạt được các giải pháp thiết thực ngay lập tức nhằm hạn chế tối đa tổn thương cho người dân.
Tổng thống Zelensky tuyên bố nước này sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán khẩn cấp về sơ tán người dân khỏi Mariupol.
Về phần mình, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov cho biết không có gì cần đàm phán về việc sơ tán dân thường khỏi khu vực nhà máy thép Azovstal ở Mariupol, bởi Tổng thống Putin đã tuyên bố rất rõ ràng rằng người dân có thể tự do rời khỏi khu vực này./.