Trang mạng ipg-journal.de đưa tin, Tiến sỹ Yasar Aydin, giảng viên, nhà nghiên cứu về Thổ Nhĩ Kỳ tại Đại học Evangelische Hochshule, Hamburg, Đức, mới đây có bài viết tiêu đề "Nhân tố gây phiền toái ở Địa Trung Hải."
Nội dung bài viết như sau:
Nếu người nào muốn thấy một khu vực láng giềng ổn định và tránh được một đất nước Thổ Nhĩ Kỳ độc đoán, người đó cần phải tiến lại gần hơn với Ankara, kể cả khi điều đó không dễ dàng gì.
Ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều người coi nhiệm kỳ Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) của Đức là cơ hội để thúc đẩy mối quan hệ song phương giữa Ankara và Berlin cũng như Brussels.
Tuy nhiên, cuộc xung đột hiện tại giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Pháp ở Libya, tranh chấp vùng lãnh hải trên biển Aegean với Hy Lạp và tranh chấp về các mỏ khí đốt trong vùng biển phía Đông Địa Trung Hải đã loại bỏ vấn đề liên minh thuế quan với tư cách là một trọng tâm trong chương trình nghị sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU.
Việc chuyển công trình kiến trúc Hagia Sophia ở thủ đô Istanbul từ viện bảo tàng thành nhà thờ Hồi giáo cũng đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông; ngày càng có nhiều lời kêu gọi về việc phải có động thái mạnh mẽ hơn để chống lại các hành động của Thổ Nhĩ Kỳ.
Danh sách những mối bất đồng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng nhiều hơn, có thể kể đến như vấn đề tranh chấp các mỏ khí đốt trong vùng biển phía Đông Địa Trung Hải, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ vào cuộc nội chiến ở Libya và Syria, tranh cãi về định hướng của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Hiệp hội Các đền thờ Hồi giáo nước này (Ditib, hiện điều hành khoảng 900 đền thờ Hồi giáo tại Đức) hay vấn đề quyền con người ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Do đó, khó có thể đạt được một bước đột phá trong quan hệ song phương giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ, ngay cả khi Đức đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng EU. Nhưng tại sao các bất đồng giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ lại kéo dài dai dẳng đến vậy?
Xét cho cùng, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ là hai quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ về an ninh, quân sự cũng như kinh tế. Cả hai đều là thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE).
Về mặt kinh tế, Thổ Nhĩ Kỳ là "một phần của EU" thông qua liên minh hải quan giữa Thổ Nhĩ Kỳ-EU và là ứng viên cho tư cách thành viên EU.
Quan hệ thương mại song phương giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 đạt mức 35 tỷ USD. Đất nước nằm ở ngã tư giữa châu Âu, châu Á và châu Phi này không chỉ là thị trường tiêu thụ quan trọng cho các sản phẩm công nghiệp của Đức, mà còn là nơi đầu tư sinh lợi quan trọng cho các tập đoàn lớn của nước này như Mercedes Benz hay Siemens.
Hơn nữa, cả hai nước đang phối hợp chặt chẽ trong các lĩnh vực như di cư, du lịch và quản lý cộng đồng người Thổ Nhĩ Kỳ tại Đức. Bất chấp tất cả những điều đó, mối quan hệ giữa Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn rơi vào tình trạng căng thẳng trong một thời gian dài.
Đối với giới chuyên gia, sự rạn nứt quan hệ giữa Berlin và Ankara có thể giải thích đơn giản rằng do sự độc đoán chính trị và "những lời hùng biện chống lại phương Tây" của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
[Thổ Nhĩ Kỳ nêu điều kiện để mở đường cho thỏa thuận ngừng bắn ở Libya]
Sự hạn chế các quyền dân chủ, hủy hoại nhiều nguyên tắc của luật pháp, vi phạm nhân quyền và chuyên quyền độc đoán, bên cạnh những lời lẽ tuyên truyền chống lại phương Tây, sự phân cực xã hội mạnh mẽ trong nước hay chính sách đối với cộng đồng người Thổ ở Đức.... đã gây nên sự phẫn nộ ở nước này. Điều này đã khiến chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ mất đi uy tín và sự ủng hộ, sự hợp tác với Ankara cũng ngày càng ít hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, việc chỉ tập trung chú ý tới tình hình nội trị của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến việc những nguyên nhân cơ bản của những bất đồng trong quan hệ song phương thường bị bỏ qua.
Một trong những nguyên nhân chính của căng thẳng trong quan hệ song phương là sự thay đổi trong hệ thống trật tự quốc tế, đi kèm với thay đổi quyền lực trên vũ đài quốc tế.
Sự suy yếu vai trò lãnh đạo của siêu cường Mỹ, những mâu thuẫn ngày càng tăng trong nội bộ NATO, sự trỗi dậy mạnh mẽ của kinh tế của Trung Quốc, chiến lược tăng cường sức mạnh quân sự của Nga cũng như các phong trào tị nạn và di cư từ Trung Đông-Bắc Phi đã đưa đến kết quả là không gian chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trở nên rộng lớn hơn so với cả EU nói chung và Đức nói riêng.
Điều đó cho phép Ankara có tiếng nói mạnh mẽ hơn so với Berlin khi đề cập tới việc cân bằng lại sự mất cân đối trong quan hệ song phương, theo hướng có lợi cho Ankara.
Ngoài ra, cả Berlin và Brussels đều đánh mất đi một đòn bẩy quan trọng để gây ảnh hưởng đến Ankara do loại bỏ triển vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.
Một trở ngại khác đối với Berlin là việc nước này phải xây dựng chính sách đối với Thổ Nhĩ Kỳ một cách cân bằng so với các đối tác khác.
Một mặt, Đức phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là đối tác trong việc giải quyết vấn đề người tị nạn và các thách thức an ninh khác như ổn định khu vực Trung Đông, chiến đấu chống khủng bố.
Mặt khác, Đức cũng phải tính đến lợi ích của các nước EU như Pháp, Hy Lạp hay Síp - những nước mà lợi ích của họ vốn thường mâu thuẫn với Thổ Nhĩ Kỳ.
Chính sách đối ngoại dễ bị kích thích của Thổ Nhĩ Kỳ cũng là nguyên nhân không nhỏ dẫn tới những căng thẳng và đối đầu trong quan hệ của nước này với Đức.
Ankara đã luôn tìm cách chống lại Israel, Hy Lạp, Síp và Ai Cập ở Địa Trung Hải; Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Nga hay Pháp ở Libya. Tuy nhiên, Hy Lạp, Síp, Israel và Ai Cập cũng đã sai lầm khi loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi vấn đề năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải.
Với sự hỗ trợ từ Pháp, Hy Lạp theo đuổi chính sách đối đầu trực diện với Thổ Nhĩ Kỳ. Thêm vào đó, Athens có tham vọng biến Biển Aegean thành một "hồ nước nội địa" của Hy Lạp bằng cách áp dụng nguyên tắc thềm lục địa cho quần đảo Aegean và tiến hành quân sự hóa quần đảo Dodecan trên biển Aegean.
Một điều cũng ít khi được nhắc tới, đó là nước Pháp với các chính sách thể hiện quyền lực của mình, cũng là một nhân tố đóng góp vào sự leo thang căng thẳng ở phía Đông Địa Trung Hải và làm tổn hại chính sách chung của EU đối với Libya.
Về phía mình, Ankara đã góp phần quân sự hóa cuộc xung đột thông qua việc can thiệp quân sự vào Libya. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của mình, Ankara cũng đã giúp Chính phủ đoàn kết dân tộc Libya (GNA) được Liên hợp quốc và EU công nhận, đẩy lùi các cuộc tấn công vào thủ đô Tripoli của lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) do tướng ly khai Khalifa Haftar lãnh đạo.
Sự xung đột về mục tiêu và lợi ích của các bên cho thấy rõ ràng rằng, đây là thời điểm rất cần thiết để nước Đức đưa ra định hướng chính sách mới trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ.
Bước đầu tiên của việc đó là phải làm rõ vấn đề cơ bản: liệu nước Đức mong muốn một mối quan hệ đối tác bình đẳng, được thiết lập trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản hay một đối thủ cạnh tranh địa chính trị?
Một cuộc đối thoại cởi mở với mục tiêu hóa giải các xung đột, hài hòa lợi ích các bên ở Balkan, Biển Aegean và khu vực phía Đông Địa Trung Hải là rất cần thiết. Berlin có thể thể hiện vai trò tích cực của mình ở đây.
Ngược lại, Ankara phải thể hiện thiện chí "hâm nóng" lại quan hệ của mình với Berlin và Brussels. Để làm được điều này, Ankara phải điều chỉnh chính sách đối nội của mình trên cơ sở phù hợp với các giá trị và chuẩn mực của châu Âu. Đây là cách duy nhất để có thể xóa bỏ hoàn toàn chủ nghĩa hoài nghi Thổ Nhĩ Kỳ ở Đức.
Những người theo chủ nghĩa hoài nghi Thổ Nhĩ Kỳ trên các phương tiện truyền thông, trong chính giới hay trong xã hội dân sự đều phản đối quyết liệt cách tiếp cận của Berlin đối với Ankara.
Nếu người ta không muốn tiếp tục để những xung đột ngày càng leo thang hơn như đang diễn ra tại Đông Địa Trung Hải và Biển Aegean, cần phải xây dựng được một kiến trúc an ninh mới cho khu vực Trung Đông.
Đức và EU có thể có nhiều đóng góp cho quá trình này. Việc chuyển đổi từ Hội nghị về An ninh và Hợp tác châu Âu (CSCE, thành lập năm 1973) sang Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) có thể là ví dụ lịch sử cho các quốc gia liên quan. Điều này đòi hỏi vừa phải có sự hợp tác đa phương giữa các cường quốc và tất cả các chủ thể có liên quan, vừa phải loại bỏ quyền lực đơn phương của bất kỳ quốc gia nào.
Bước đi đầu tiên là tăng cường mối quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ dựa trên cơ sở các nguyên tắc, đồng thời có tính đến lợi ích kinh tế và an ninh của nước này. Nếu không, rất có thể Ankara sẽ trở nên chuyên quyền hơn nữa và sẽ ngả về hướng Nga và Trung Quốc.
Một thái độ không hợp lý của Berlin trong các vấn đề như liên minh hải quan, triển vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ hay vấn đề người Kurd ở Syria, sẽ làm cho Thổ Nhĩ Kỳ phản ứng quyết liệt hơn với Đức và phương Tây.
Một Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn tới các quốc gia như Iran, Azerbaijan và Qatar, không nằm trong lợi ích của Berlin và sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng cho các mục tiêu chính sách an ninh của Đức.
Một Thổ Nhĩ Kỳ không ổn định về đối nội và dễ bị kích thích về đối ngoại cũng sẽ là một nhân tố gây phiền toái trong chính sách hội nhập của Đức đối với 3,5 triệu người gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang sinh sống tại Đức, chiếm khoảng 3,5% tổng dân số./.