Thổ Nhĩ Kỳ không còn "mặn mà" việc gia nhập Liên minh châu Âu

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố không "lưu luyến" việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và cân nhắc lại ý định gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 20/11, truyền thông địa phương đưa tin Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố Ankara không nên "lưu luyến" việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU) và cân nhắc lại ý định gia nhập Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO).

Tổng thống Erdogan đưa ra tuyên bố trên sau khi hy vọng gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ kéo dài nhiều thập kỷ qua đã rơi xuống mức thấp nhất do những diễn biến sau cuộc đảo chính bất thành hồi trung tuần tháng Bảy vừa qua.

Phát biểu với báo giới, ông Erdogan nhấn mạnh Thổ Nhĩ Kỳ trước hết nên cảm thấy thật thoải mái về EU và không "lưu luyến" về việc gia nhập liên minh này, đồng thời để ngỏ khả năng gia nhập SCO.

Tổng thống Erdogan cho biết ông đã thảo luận ý tưởng gia nhập SCO với Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Kazakhstan Nursultan Nazarbayev.

Hồi tháng Ba vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã nhất trí đẩy mạnh các cuộc đàm phán về việc Ankara gia nhập liên minh này. Đây được xem là một phần trong thỏa thuận giữa hai bên về việc Thổ Nhĩ Kỳ giúp EU ngăn chặn dòng người tị nạn đổ về châu Âu qua cửa ngõ Hy Lạp.

Tiến trình này vốn đã rất khó khăn lại vấp phải trở ngại mới khi EU chỉ trích gay gắt hành động trấn áp của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ nhằm vào những người mà Ankara cho là có liên quan đến cuộc đảo chính bất thành vào đêm 15/7.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nhiều lần thể hiện sự không hài lòng với hành động này của EU.

Trước đó, Tổng thống Erdogan đã vài lần đề cập đến kế hoạch Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập SCO, một động thái có thể chấm dứt nỗ lực gia nhập EU suốt thời gian dài vừa qua của chính quyền Ankara. Thổ Nhĩ Kỳ chính thức đề nghị gia nhập EU vào năm 1987 và các cuộc đàm phán gia nhập liên minh này chỉ được bắt đầu vào năm 2005.

Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, gồm 5 thành viên, là một khối kinh tế và an ninh do Nga và Trung Quốc đứng đầu. Các nước thành viên còn lại là Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục