Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng đạt thỏa thuận mới với EU về người di cư

Tình hình tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp đã trở nên căng thẳng sau khi Ankara hôm 28/2 bất ngờ tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư tìm đường đến châu Âu.
Trẻ em di cư theo cha mẹ tới đảo Lesbos, Hy Lạp, ngày 2/3/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng đạt được thỏa thuận mới với châu Âu nhằm giải quyết vấn đề người di cư kịp lúc với thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tới.

Đây là tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đưa ra ngày 10/3, một ngày sau khi cuộc hội đàm giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và các nhà lãnh đạo EU kết thúc tại Brussels (Bỉ) mà không đưa ra được tuyên bố chung như dự định.

Ông Cavusoglu cho rằng nếu hai bên đạt được thỏa thuận trước ngày 26/3 - thời điểm sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo EU, vấn đề này sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của cuộc họp. Ankara sẵn sàng hợp tác trên tinh thần xây dựng trong vấn đề di cư.

Theo Ngoại trưởng Cavusoglu, để có thể giải quyết vấn đề di cư, cần triển khai việc miễn thị thực EU và nâng cấp hiệp định chung về thuế quan của Thổ Nhĩ Kỳ với EU.

Ông cho rằng nếu Ankara thực thi kế hoạch với EU thì liên minh này cũng cần thể hiện sự tôn trọng.

Cùng ngày, Tổng thống Erdogan cho biết sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh về người di cư tại Istanbul trong ngày 17/3 với các nhà lãnh đạo Pháp, Đức.

Phát biểu với báo giới trên máy bay trở về nước từ Brussels, Tổng thống Erdogan nhấn mạnh Ankara không xem xét việc đóng cửa biên giới với châu Âu và Hy Lạp cần mở các cửa khẩu.

Theo thỏa thuận di cư năm 2016, Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ngăn chặn dòng người di cư để đổi lấy 6 tỷ euro (khoảng 6,8 tỷ USD) tiền hỗ trợ.

Tuy nhiên, Ankara cho biết đã không nhận được toàn bộ số tiền trên trong khi các cam kết khác, trong đó có các quy định thương mại và thị thực, cũng không được thực thi.

Tình hình tại biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp đã trở nên căng thẳng sau khi Ankara hôm 28/2 bất ngờ tuyên bố mở cửa biên giới cho người di cư tìm đường đến châu Âu.

Kể từ đó, hàng chục nghìn người di cư đã đổ về khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Hy Lạp nhằm tìm cách đến châu Âu.

Hy Lạp và EU đã chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ sử dụng vấn đề người di cư nhằm gây áp lực với EU để đòi liên minh này chi thêm tiền hoặc ủng hộ các mục đích địa chính trị của Ankara trong cuộc xung đột ở Syria.

Hy Lạp ngày 5/3 cũng tuyên bố sẽ trục xuất những người di cư mới đến nước này một cách trái phép từ ngày 1/3.

Đáp lại, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố sẽ triển khai 1.000 cảnh sát dọc biên giới với Hy Lạp nhằm ngăn chặn động thái của Athens đẩy người di cư quay trở lại lãnh thổ nước này.

Nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng người di cư tại Hy Lạp, liên minh cầm quyền ở Đức đã đồng ý tiếp nhận những trẻ vị thành niên đặc biệt khó khăn từ các trại tị nạn Hy Lạp.

Theo đó, họ sẽ giúp tìm giải pháp cho khoảng 1.000-1.500 trẻ em, đang cần được điều trị vì bị bệnh nặng, không có người đi cùng hoặc trẻ dưới 14 tuổi, phần lớn là các bé gái, trong các trại tị nạn trên đảo Aegean của Hy Lạp.

Giới chức thủ đô Berlin cho biết thành phố này có thể tiếp nhận từ 80 đến 100 em nhỏ đến từ các trại tị nạn Hy Lạp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục