Ngày 7/12, cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã phải dùng hơi cay và vòi rồng giải tán đám đông người biểu tình bên lề lễ tang của hai thành viên đảng Công nhân người Kurd (PKK) bị bắn chết trong cuộc đụng độ với cảnh sát một ngày trước đó.
Các biện pháp trên được triển khai sau khi hàng trăm người biểu tình ném đất đá vào các nhân viên an ninh và đốt cháy lốp xe tạo thành các rào chắn trên một tuyến đường thuộc quận Yuksekova, khu vực có đông người Kurd sinh sống ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngoài ra, tại thành phố Istanbul, nơi được coi là "điểm nóng" của các cuộc biểu tình phản đối chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ trong năm qua, cảnh sát cũng phải áp dụng các biện pháp an ninh tương tự.
Trước đó, đụng độ đã nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình hôm 6/12 khiến hai thành viên đảng PKK thiệt mạng. Đụng độ nổ ra sau khi có tin đồn cho rằng nghĩa trang, nơi yên nghỉ của các tay súng người Kurd, bị phá hủy.
Theo các nguồn tin tại chỗ, mặc dù trước đó cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ đã bác bỏ tin đồn trên nhưng một người đàn ông đeo mặt nạ đã ném lựu đạn vào lực lượng an ninh, gây ra cảnh tượng hỗn loạn giữa cảnh sát và người biểu tình. Đây là vụ đụng độ mới nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ sau nhiều tháng PKK thực hiện tuyên bố ngừng bắn.
Hồi tháng Ba vừa qua, thủ lĩnh PKK đang bị giam giữ, Abbdullah Ocalan, đã đưa ra tuyên bố ngừng bắn lịch sử, đồng thời kêu gọi các thành viên của nhóm này hạ vũ khí và rút khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.
Đổi lại, PKK yêu cầu chính phủ sửa đổi luật hình sự, luật bầu cử và tăng thêm quyền lợi cho người Kurd. Tuy nhiên sáng đầu tháng Chín, PKK đột ngột tuyên bố ngừng rút các tay súng ra khỏi Thổ Nhĩ Kỳ với lý do Ankara không thực hiện các cam kết cải cách.
PKK bị Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách tổ chức khủng bố vì đã phát động vũ trang vào năm 1984 đòi thành lập nhà nước độc lập của người Kurd ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo con số không chính thức, đã có ít nhất 45.000 người thiệt mạng trong các cuộc xung đột liên quan đến PKK kể từ đó đến nay./.