Theo AP/Reuters/AFP/Tân Hoa Xã, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang làm leo thang cuộc tranh cãi giữa Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách áp đặt thuế quan cao hơn đối với kim loại nhập khẩu, gây áp lực kinh tế chưa từng thấy lên một nước đồng minh NATO và khiến các thị trường tài chính của Thổ Nhĩ Kỳ chìm sâu trong rối loạn.
Chỉ trích hiện trạng mối quan hệ giữa Washington với Ankara, ông Trump tuyên bố trên Twitter rằng ông đã chấp thuận tăng gấp đôi thuế nhập khẩu đánh vào nhôm và thép từ Thổ Nhĩ Kỳ, lần lượt là 20% và 50%.
Trong một dòng tweet trên Twitter, ông Trump thông báo: “Tôi vừa chấp thuận tăng gấp đôi thuế quan đối với thép và nhôm của Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh đồng nội tệ của họ - đồng lira Thổ Nhĩ Kỳ - trượt giá nhanh chóng so với đồng USD rất mạnh của chúng ta! Nhôm bây giờ sẽ chịu mức thuế 20% và thép là 50%. Quan hệ của chúng ta với Thổ Nhĩ Kỳ không tốt đẹp vào thời điểm này!”
Nhà Trắng cho biết ông Trump sẽ sử dụng một mục của luật pháp Mỹ cho phép áp thuế quan với lý do để đảm bảo an ninh quốc gia, từ đó tăng thuế nhập khẩu.
Washington và Ankara đã "lời qua tiếng lại" từ nhiều tháng qua về vụ một mục sư người Mỹ bị giam cầm ở Thổ Nhĩ Kỳ, cuộc nội chiến Syria, tăng thuế và các vấn đề ngoại giao khác.
Động thái vừa qua của ông Trump đã khiến đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ rớt giá nhiều hơn. Đồng lira - lâu nay vẫn tụt giá do có những quan ngại về ảnh hưởng của chính phủ đối với chính sách tiền tệ và căng thẳng với Mỹ - có lúc giảm hơn 18% trong ngày 10/8, xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Ngay cả trước tuyên bố của ông Donald Trump, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã đề nghị người dân Thổ Nhĩ Kỳ đổi vàng và USD lấy đồng lira để chống lại “một cuộc chiến tranh kinh tế.”
Những "cơn sóng" từ cuộc khủng hoảng này đã lan ra nước ngoài, với việc các nhà đầu tư bán tháo cổ phần tại các ngân hàng châu Âu có mối quan hệ lớn với nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.
Tháng 3/2018, Mỹ - nước nhập khẩu thép lớn nhất thế giới - đã áp thuế quan 10% lên nhôm và 25% lên thép đối với hàng nhập khẩu từ nhiều nước khác nhau. Thổ Nhĩ Kỳ là nước xuất khẩu thép lớn thứ 6 sang Mỹ.
Ankara tuần này đã gửi một phái đoàn đến Washington để gặp giới quan chức Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính Mỹ nhằm giải quyết một số tranh chấp, nhưng các cuộc đàm phán đó không có dấu hiệu đột phá.
Tuần trước, Mỹ đã áp đặt các chế tài đối với Bộ trưởng Tư pháp và Bộ trưởng Nội vụ của Thổ Nhĩ Kỳ vì đã không phóng thích mục sư người Mỹ Andrew Brunson.
[Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ có thể được cứu vãn nếu Mỹ có thiện chí]
Ông Brunson, một mục sư Tin lành phái Trưởng Lão phúc âm từ bang North Carolina, bị bỏ tù với cáo buộc ủng hộ một nhóm mà Ankara quy trách nhiệm tiến hành một cuộc đảo chính bất thành năm 2016. Ông Brunson phủ nhận cáo buộc này.
Ngoài trường hợp của ông Brunson, Washington đang nỗ lực để 3 nhân viên đại sứ quán Mỹ làm việc tại Thổ Nhĩ Kỳ được phóng thích. Các vấn đề thương mại và những khác biệt về Syria cũng gây căng thẳng trong quan hệ song phương.
Trước những hành động trên của Mỹ, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ ngày 11/8 tuyên bố suy thoái kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ là do Mỹ và các nước khác gây ra, những nước mà ông tuyên bố đang tiến hành “chiến tranh” chống Thổ Nhĩ Kỳ.
Phát biểu tại tỉnh Rize ở vùng Đông Bắc, Tổng thống Erdogan nói rằng đồng USD, euro và vàng giờ đây là “những viên đạn, đại bác và tên lửa của cuộc chiến tranh kinh tế đang được phóng vào đất nước của chúng ta.”
Ông cũng hứa hẹn với những người ủng hộ rằng Thổ Nhĩ Kỳ đang thực hiện các biện pháp phòng ngừa cần thiết để bảo vệ nền kinh tế, nhưng nói thêm “điều quan trọng nhất là bẻ gãy những bàn tay đang bắn những vũ khí này.”
Đồng thời, ngày 11/8, Erdogan thề sẽ thách thức "những lời đe dọa" của Mỹ về vụ mục sư Bruson, và cũng không tỏ dấu hiệu nhượng bộ.
Ông nói: "(Mỹ) thật sai lầm khi nghĩ rằng có thể bắt Thổ Nhĩ Kỳ 'quỳ gối quy phục' chỉ bằng những lời đe dọa liên quan đến Bruson. Thật đáng xấu hổ! Mỹ đang đánh đổi một đối tác chiến lược trong NATO để lấy một mục sư."
Trong một phát biểu trên báo New York Times, Erdogan cảnh báo Washington chớ nên hủy hoại quan hệ với Ankara bởi nếu không Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm "những người bạn và đồng minh mới."
Ông nhấn mạnh: "Nếu Mỹ không bắt đầu tỏ ra tôn trọng chủ quyền của Thổ Nhĩ Kỳ và chứng tỏ rằng Washington hiểu những nguy cơ mà Mỹ đang phải đối mặt, vậy thì mối quan hệ đối tác giữa hai nước (Mỹ-Thổ) có thể sẽ bị hủy hoại."
Thổ Nhĩ Kỳ đã điêu đứng vì một đợt chấn động tài chính trong tuần này khi đồng nội tệ của nước này rớt giá mạnh.
Đồng lira sụt 14% trong ngày 10/8 xuống còn 6,51 lira đổi 1 USD, một sự sụt giảm rất lớn, khiến người dân Thổ Nhĩ Kỳ nghèo hơn và làm xói mòn niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế trong nước.
Việc đồng lira rớt giá là "cú đòn đau" đối với Thổ Nhĩ Kỳ vì phần lớn tăng trưởng kinh tế của nước này là nhờ tiền nước ngoài.
Sự sụt giảm của đồng lira - tính tới thời điểm này là 41% - là thước đo mức độ lo sợ về một quốc gia đang dần đối diện với nhiều năm nợ cao, lo ngại của quốc tế về việc Erdogan thâu tóm quyền hành, và một mối quan hệ đang xấu đi với Mỹ, đồng minh NATO của Thổ Nhĩ Kỳ.
David Pollock, thành viên caapso cao của Viện Chính sách Cận Đông ở Washington, nói với hãng tin Tân Hoa Xã rằng thực ra các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ không phải có nguồn gốc từ lý do kinh tế mà là lý do chính trị.
Theo ông, việc Mỹ đánh thuế kim loại "sẽ gây tác động thực sự đối với Thổ Nhĩ Kỳ, lớn hơn những gì dư luận dự đoán. Hậu quả sẽ kéo dài."
Ông cũng cho rằng với việc áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh của Mỹ trong NATO, Washington đã tự đặt mình với "thế tiến thoái lưỡng nan thực sự" với Ankara.
Trong khi đó, Dan Mahaffee - Phó Chủ tịch cấp cao và là giám đốc phụ trách chính sashc của Trung tâm Nghiên cứu Quốc hội và Tổng thống - lưu ý rằng trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đang chuyển hướng khỏi các đồng minh NATO và ngả về phía Nga cũng như Iran, "sự xích mích cá nhân giữa Trump và Erdogan có thể khiến cho liên minh lịch sử (Mỹ-Thổ) rạn nứt"./.