Bạo lực xảy ra ở Istanbul. (Nguồn: Reuters)
Ngày 31/5, đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và những người biểu tình kỷ niệm một năm các cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm ngoái ở thủ đô Ankara và thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cuộc biểu tình gợi nhớ đến những cuộc tập hợp ở các thành phố lớn của Thổ Nhĩ Kỳ cách đây một năm nhằm phản đối kế hoạch xây dựng một công viên và trở thành những cuộc tuần hành rầm rộ chống chính phủ.
Lo ngại các hoạt động biểu tình tại Quảng trường Taksim ở Istanbul, Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan cảnh báo chính quyền sẽ sử dụng mọi biện pháp nhằm ngăn chặn các hoạt động tụ tập ở quảng trường này.
Tuy nhiên, hàng trăm người biểu tình vẫn tập trung tại tuyến đường chính dẫn tới quảng trường Taksim.
Đụng độ đã xảy ra khi những người biểu tình ném đá và bom xăng vào cảnh sát. Cảnh sát chống bạo động đã dùng vòi rồng, đạn hơi cay và dùi cui để giải tán những người biểu tình. Nhiều người biểu tình quá khích đã bị bắt. Đụng độ cũng đã nổ ra giữa cảnh sát và người biểu tình ở thủ đô Ankara và nhiều thành phố khác.Phản ứng trước sự kiện trên, ủy viên phụ trách vấn đề nhân quyền của Hội đồng châu Âu Nils Muiznieks đã lên tiếng chỉ trích việc sử dụng bạo lực "quá mức cần thiết" của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ và khẳng định các cuộc đụng độ trên đã cho thấy "những quan ngại sâu sắc về nhân quyền" ở nước này.
Cuối tháng 5, đầu tháng 6 năm 2013, hàng nghìn người ở thành phố Istanbul đã xuống đường biểu tình phản đối kế hoạch của chính quyền phá công viên Gezi ở Quảng trường Taskim nhằm xây dựng trung tâm thương mại. Sau đó, biểu tình đã lan rộng sang các thành phố khác và thu hút nhiều thành phần tham gia.
Các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng cảnh sát khi đó đã khiến ít nhất 12 người thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương, biến sự kiện trên thành làn sóng bạo lực nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ trong thập kỷ qua./.
(TTXVN/Vietnam+)