Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích EU thiên vị Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus

Trước đó, EU đã lên án hành động bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Hy Lạp và Cyprus sau khi Ankara bắt giữ hai người lính Hy Lạp và thực hiện lệnh phong tỏa khai thác khí đốt ngoài khơi Cyprus.
Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích EU thiên vị Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus ảnh 1Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 23/3, Thổ Nhĩ Kỳ chỉ trích những tuyên bố của các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nhằm vào các chính sách của Ankara đối với Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus, 2 thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và cho rằng tuyên bố này làm gia tăng căng thẳng trước thềm cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ và các nhà lãnh đạo EU sắp diễn ra tại thành phố Varna của Bulgaria.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Hami Aksoy nhấn mạnh tuyên bố của EU có những bình luận "không thể chấp nhận được" đối với Ankara và phục vụ cho lợi ích của Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus.

Theo ông Aksoy, EU đã ủng hộ Athens và Nicosia chỉ vì họ là thành viên "mà không cân nhắc liệu có đúng hay không" và EU đã mất đi tính khách quan của mình đối với vấn đề đảo Cyprus.

[Hy Lạp tiếp tục bác yêu cầu dẫn độ 8 quân nhân của Thổ Nhĩ Kỳ]

Trước đó, ngày 22/3, tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) thủ đô Brussels của Bỉ, EU đã lên án hành động bất hợp pháp của Thổ Nhĩ Kỳ đối với Hy Lạp và Cyprus sau khi Ankara bắt giữ hai người lính Hy Lạp và thực hiện lệnh phong tỏa khai thác khí đốt ngoài khơi Cyprus.

Giới quan sát cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh giữa Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ vào đầu tuần tới ở Varna sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc thiết lập khuôn khổ mối quan hệ tương lai giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn gia nhập EU từ nhiều thập kỷ qua nhưng các cuộc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào EU luôn gặp trở ngại do vấn đề đảo Cyprus và mối quan hệ căng thẳng giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ.

Việc chính quyền Ankara thực hiện chiến dịch trấn áp mạnh tay những đối tượng tình nghi tham gia cuộc đảo chính bất thành hồi năm 2016 đã vấp phải phản ứng mạnh mẽ của EU.

Nhiều nhà lãnh đạo EU cho rằng việc đàm phán kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ không còn thực tế, thay vào đó hai bên chỉ nên thiết lập mối quan hệ đối tác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục