Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo cần nhiều năm để khôi phục lòng tin Nga-phương Tây

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhận định sẽ mất nhiều năm mới có thể khôi phục lòng tin giữa Nga và phương Tây sau khi Moskva quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo cần nhiều năm để khôi phục lòng tin Nga-phương Tây ảnh 1Cơ sở cung cấp khí đốt Bovanenkovo của Nga. (Ảnh: AFP/ TTXVN)

Ngày 19/4, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu nhận định sẽ mất nhiều năm mới có thể khôi phục lòng tin giữa Nga và phương Tây sau khi Moskva quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại miền Đông Ukraine. 

Phát biểu tại họp báo chung với người đồng cấp Hungary Peter Szijjarto tại thủ đô Ankara của Thổ Nhĩ Kỳ, ông Cavusoglu cho rằng các bên cần có bước đi nhanh chóng nhằm hướng tới một lệnh ngừng bắn.

Theo ông Cavusoglu, mặc dù tình hình thực địa đang có sự thay đổi, song Thổ Nhĩ Kỳ tin tưởng rằng vẫn có cơ hội cho biện pháp ngoại giao. 

Về phần mình, trong phát biểu đăng trên trang Facebook cá nhân sau cuộc thảo luận với ông Cavusoglu, Ngoại trưởng Szijjarto cho biết Hungary sẽ không ủng hộ bất kỳ lệnh trừng phạt nào nhằm vào dầu mỏ và khí đốt của Nga, qua đó tái khẳng định quan điểm của Budapest về vấn đề này. Ông xác nhận các chuyến hàng khí đốt của Nga vẫn tới Hungary mà không bị gián đoạn.

[Bài toán về quan hệ phức tạp giữa Nga và phương tây chưa có lời giải]

Trong một động thái khác, một nguồn tin chính phủ cho biết Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez sẽ tới thủ đô Kiev của Ukraine để gặp Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky trong những ngày tới.

Trước đó, nhiều lãnh đạo châu Âu như Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula Von der Leyen, Thủ tướng Anh Boris Johnson, Thủ tướng Séc Petr Fiala đã tới Ukraine để thể hiện sự ủng hộ với quốc gia này. 

Ngày 18/4 vừa qua, Thủ tướng Sanchez xác nhận Tây Ban Nha sẽ mở lại đại sứ quán tại thủ Kiev, sau khi đóng cửa kể từ ngày 24/2.

Cùng ngày 19/4, Ngoại trưởng New Zealand Nanaia Mahuta thông báo đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào 18 ngân hàng và thể chế tài chính lớn nhất của Nga liên quan đến cuộc xung đột tại Ukraine.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Mahuta nêu rõ trong số những tổ chức thuộc diện trừng phạt lần này có ngân hàng trung ương Nga, quỹ hưu trí và các thể chế tài chính lớn nhất nước này. Các thể chế tài chính này chiếm khoảng 80% tổng tài sản ngân hàng Nga.

Các lệnh trừng phạt dự kiến có hiệu lực vào ngày 20/4 và sẽ kéo dài đến ngày 17/3/2025. Ngoài ra, kể từ ngày 25/4, New Zealand cũng áp thuế bổ sung ở mức 35% đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Nga.

Trước đó, New Zealand cũng đã áp đặt trừng phạt với nhiều quan chức, chính khách, doanh nhân Nga.

Liên quan tình hình xung đột tại Ukraine, người đứng đầu vùng Luhansk Serhiy Gaidai xác nhận các lực lượng Nga đã kiểm soát thành phố Kreminna ở miền Đông Ukraine và quân đội Ukraine hiện đã rút khỏi khu vực này.

Thành phố Kreminna là nơi sinh sống của 18.000 dân, nằm cách thủ đô Kiev 100km về phía Đông Nam./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục