Thổ Nhĩ Kỳ ngày 20/4 đã bắt đầu phân phối khí đốt tự nhiên khai thác từ Biển Đen như một phần trong dự án quan trọng của nước này nhằm giảm sự phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu.
Được khai thác ở độ sâu 2.200m tại mỏ Sakarya ngoài khơi Biển Đen, lượng khí đốt này được vận chuyển qua đường ống ngầm dưới biển dài 170km và qua nhiều trạm nén khí đến cơ sở Filyos mới được xây dựng trên đất liền thuộc tỉnh Zonguldak, miền Bắc Thổ Nhĩ Kỳ.
Tham dự lễ vận hành cơ sở khí đốt tự nhiên Biển Đen ở Zonguldak, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan khẳng định đây là “dấu mốc lịch sử hướng tới sự độc lập về năng lượng.”
Ông nêu rõ: "Với những nỗ lực to lớn, khí đốt tự nhiên được phát hiện chỉ 3 năm trước đã được đưa vào sử dụng."
[Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp ưu đãi cho dự án phát triển khí đốt ở Biển Đen]
Theo ông Erdogan, mỏ khí đốt này sẽ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ khi hoạt động hết công suất.
Nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng thông báo nước này sẽ cung cấp khí đốt tự nhiên miễn phí cho các hộ gia đình với khối lượng lên tới 25 m3/tháng trong 1 năm.
Theo Văn phòng tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, trong giai đoạn đầu, mỏ Sakarya sẽ sản xuất 10 triệu m3 khí đốt tự nhiên/ngày và sẽ tăng lên 40 triệu m3/ngày vào năm 2028 trong giai đoạn 2.
Công suất của giai đoạn đầu đáp ứng khoảng 6% mức tiêu thụ khí đốt hằng năm của Thổ Nhĩ Kỳ (khoảng 60 tỷ m3), qua đó góp phần thúc đẩy nền kinh tế nước này.
Chuyên gia Oguzhan Akyener, Chủ tịch Trung tâm nghiên cứu chính trị và chiến lược năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ, cho biết lượng khí đốt đầu tiên được khai thác ở Biển Đen sẽ đóng góp 35 tỷ liras (1,8 tỷ USD cho nền kinh tế.
Trong khi đó, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Fatih Donmez đánh giá trữ lượng khí đốt ngoài khơi của Thổ Nhĩ Kỳ ở Biển Đen ước tính khoảng 710 tỷ m3, đủ để đáp ứng nhu cầu khí đốt nội địa trong 35 năm.
Hiện tại, Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu phần lớn khí đốt từ Nga và Azerbaijan.
Mỏ Sakarya là một phần trong kế hoạch của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng và biến Filyos thành một trung tâm năng lượng quan trọng.
Với lợi thế về mặt địa lý, Thổ Nhĩ Kỳ từ lâu đã trở thành trung tâm trung chuyển cho các đường ống dẫn khí đốt lớn.
Sự hiện diện của các cơ sở hạ tầng về khai thác và vận chuyển khí đốt trên Biển Đen tạo điều kiện thuận lợi cho Thổ Nhĩ Kỳ tái xuất khẩu loại nhiên liệu này sang các nước châu Âu./.