Bộ trưởng Các vấn đề châu Âu của Thổ Nhĩ Kỳ Omer Celik đã bác bỏ lời kêu gọi của Liên minh châu Âu (EU) tiến hành điều tra các cáo buộc gian lận trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua tại nước này.
Cuộc trưng cầu ý dân về kế hoạch sửa đổi Hiến pháp tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/4 đã kết thúc với thắng lợi sít sao của phe ủng hộ mở rộng quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan.
Tuy nhiên, phái bộ quan sát của Hội đồng châu Âu cho rằng đã có tới 2,5 triệu lá phiếu nghi ngờ là vi phạm luật. Theo phái bộ trên, những vi phạm này có thể làm thay đổi kết quả bỏ phiếu và kêu gọi điều tra kết quả bỏ phiếu.
Phát biểu với báo giới, Bộ trưởng Celik khẳng định lời kêu gọi trên là "không thể chấp nhận được", đồng thời yêu cầu EU "tôn trọng tiến trình dân chủ" ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Với cáo buộc của các quan sát viên quốc tế rằng kết quả trưng cầu đã bị bóp méo do những thay đổi về thủ tục vào phút chót, Bộ trưởng Celik khẳng định cáo buộc này là "vô căn cứ" đồng thời cho rằng các quan sát viên của Văn phòng Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE) về các thể chế dân chủ và nhân quyền (ODIHR) và Ủy ban Nghị viện Hội đồng châu Âu (PACE) đã "đi quá giới hạn."
Trong một diễn biễn liên quan, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi điện chúc mừng người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ sau chiến thắng của cuộc trưng cầu ý dân. Trong cuộc điện đàm, hai tổng thống đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bình thường hóa quan hệ song phương sau vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một máy bay chiến đấu của Nga ở khu vực biên giới Syria năm 2015.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã chúc mừng ông Erdogan.
Các sửa đổi Hiến pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu ý dân vừa qua đánh dấu sự thay đổi căn bản trong cách điều hành đất nước Thổ Nhĩ Kỳ. Cụ thể, quyền lực và số nhiệm kỳ tổng thống sẽ gia tăng (hai nhiệm kỳ liên tiếp, mỗi nhiệm kỳ 5 năm), tạo điều kiện cho ông Erdogan tìm kiếm nhiệm kỳ mới sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2019.
Ngoài ra, cơ cấu chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhanh chóng thay đổi, chuyển từ chế độ nghị viện sang chế độ tổng thống có quyền hành pháp to lớn, trong khi quốc hội sẽ bị hạn chế quyền lực. Một số sửa đổi lớn khác bao gồm: Tổng thống, hiện chỉ đảm nhiệm vị trí đứng đầu nhà nước, sẽ trở thành người đứng đầu nhà nước và phụ trách quyền hành pháp; hủy bỏ vị trí thủ tướng và thay bằng phó tổng thống; Quốc hội sẽ tăng số ghế, từ 550 lên 600 nghị sỹ, bầu cử quốc hội và tổng thống được tổ chức đồng thời 5 năm/lần.
Theo Hiến pháp sửa đổi, Quốc hội có quyền điều tra hoặc luận tội tổng thống nếu có đa số phiếu ủng hộ, và cần có đủ 2/3 nghị sỹ (400 phiếu) ủng hộ mới có thể khởi tố tổng thống lên Tòa án Tối cao.
Số thẩm phán trong Tòa án Hiến pháp giảm từ 17 còn 15 ghế, phần lớn do tổng thống bổ nhiệm. Ngoài ra, cả tổng thống và quốc hội đều có thể yêu cầu tổ chức bầu cử lại... Một loạt thay đổi này sẽ có hiệu lực vào năm 2019.
Trong cuộc trưng cầu vừa qua, tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở mức cao với 85% - khoảng 49 triệu người trong tổng số 58 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu. 51,4% bỏ phiếu “Có” và 48,6% bỏ phiếu “Không."
[EU hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ điều tra minh bạch về trưng cầu dân ý]
Tuy nhiên, đảng Dân chủ Nhân dân (PDP, đảng đối lập chính) đã ngay lập tức yêu cầu hủy bỏ kết quả trưng cầu do nghi ngờ khả năng nhiều phiếu bầu đã bị can thiệp và cảnh báo sẽ kiện lên Tòa án Hiến pháp Tối cao. Trong khi đó, đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP, đối lập) cũng yêu cầu hủy kết quả, đồng thời cảnh báo sẽ đưa đề nghị này lên Tòa án Nhân quyền châu Âu.
Về phần mình, Tổng thống Erdogan bác bỏ mọi chỉ trích, đồng thời khẳng định cuộc trưng cầu ý dân vừa qua sẽ quyết định tương lai và mang lại sự ổn định cho Thổ Nhĩ Kỳ./.