Ngày 30/3, Thổ Nhĩ Kỳ đã bác đề xuất của Pháp làm vai trò hòa giải giữa Ankara với Các lực lượng dân chủ Syria (SDF), lực lượng có trụ cột chính là lực lượng Các đơn vị bảo vệ Nhân dân người Kurd (YPG) vốn bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là tổ chức khủng bố.
Trên trang mạng xã hội Twitter, người phát ngôn Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, Ibrahim Kalin cho biết nước này phản đối bất kỳ nỗ lực nào nhằm thúc đẩy "đối thoại," "tiếp xúc" hoặc "hòa giải" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các tổ chức khủng bố này.
Ông Kalin cho biết Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng các nước đồng minh có lập trường rõ ràng về mọi hình thức khủng bố thay vì có những biện pháp dẫn tới hợp pháp hóa "những tổ chức khủng bố."
Ankara có động thái trên sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 29/3 đã gặp một phái đoàn SDF do Mỹ hậu thuẫn, bao gồm các binh sỹ người Kurd và Arab.
Tại cuộc gặp, nhà lãnh đạo Pháp đã ghi nhận vai trò của SDF trong cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đồng thời bày tỏ hy vọng có thể mở "một cuộc đối thoại" giữa Thổ Nhĩ Kỳ và SDF, với sự hỗ trợ của Pháp và các nước.
Pháp cũng như Mỹ là những nước đồng minh của Thổ Nhĩ Kỳ trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) coi SDF là một lực lượng chủ chốt trong cuộc chiến chống IS.
Trong khi đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 1/2018 đã bắt đầu chiến dịch tấn công YPG, lực lượng bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc là đồng minh của đảng Công dân người Kurd (PKK) hoạt động ngoài vòng pháp luật tại nước này./.