Thổ dân Australia là đại diện nền văn minh cổ xưa nhất Trái Đất

Theo nghiên cứu mở rộng đầu tiên về DNA của thổ dân Australia, họ là những người đại diện cho nền văn minh cổ xưa nhất trên Trái Đất.
Thổ dân Australia là đại diện nền văn minh cổ xưa nhất Trái Đất ảnh 1Thổ dân Australia. (Nguồn: EPA)

Theo nghiên cứu mở rộng đầu tiên về DNA của thổ dân Australia, họ là những người đại diện cho nền văn minh cổ xưa nhất trên Trái Đất.

Nghiên cứu này cho thấy họ đã xuất hiện từ cách đây hơn 50.000 năm trong thời đồ đá cũ.

Theo Independent, các nhà khoa học đã lấy mẫu DNA của quần thể dân cư hiện đại ở Australia để tìm các dấu vết di truyền của nền văn minh cổ đại và tái tạo lại hành trình rời châu Phi của họ cách đây 72.000 năm.

Nghiên cứu mới cho thấy những cư dân đầu tiên thực hiện chuyến thám hiểm đã đặt chân lên một siêu lục địa tiền sử có tên Sahul khoảng 58.000 năm trước.

Vùng lục địa rộng lớn này bao gồm Australia, New Guinea và Tasmania ngày nay, trước khi bị tách ra bởi mực nước biển dâng.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature tuần này phát hiện ra rằng tổ tiên của thổ dân Australia và Papuan bản địa đã gặp gỡ và giao phối với một chủng tộc người bí ẩn, mà tới nay vẫn chưa tìm ra hóa thạch.

Chủ trì nghiên cứu, giáo sư Eske Willerslev cho biết: "Chúng tôi không biết chủng tộc bí ẩn đó là ai, nhưng họ là một họ hàng xa của người Denisova, và tổ tiên của người Australia/Papuan có lẽ đã gặp họ ở gần Sahul."

Các nghiên cứu trước đây đã phát hiện ra rằng người hiện đại ngày nay có một tỷ lệ nhỏ DNA của người Neanderthal do sự giao phối.

Tương tự như vậy, chủng tộc người bí ẩn này đã đóng góp 4% vào hệ gen của thổ dân Australia bản địa.

Phát hiện này cũng đã giải quyết được một số tranh cãi kéo dài giữa các chuyên gia về cách những con người đầu tiên rời khỏi châu Phi.

Một số tin rằng những người không phải người châu Phi là hậu duệ của một nhóm nhỏ những "nhà thám hiểm" đã rời lục địa này, nhưng những người khác vẫn duy trì quan điểm đã có nhiều làn sóng di cư xảy ra.

Nghiên cứu mới đã ủng hộ giả thuyết chỉ có một làn sóng di cư, và cho thấy nhóm người di cư này đã tách nhau ra và đi đến nhiều nơi trên thế giới.

Những phát hiện của Willerslev cho thấy thổ dân Australia bản địa ngày nay có thể truy ngược nguồn gốc của họ tới nhóm người cổ đại đã tới Sahul, nơi họ đã sống một cách cô lập cho tới 4.000 năm trước.

"Họ có lẽ là nhóm cư dân lâu đời nhất trên thế giới mà bạn có thể liên hệ với một địa điểm cụ thể," Willerslev nhận định.

Sự đa dạng rất lớn trong cấu tạo di truyền của thổ dân bản địa tại Australia cũng được hé lộ.

Đồng tác giả nghiên cứu, tiến sỹ Michael Westaway nói: "Sự đa dạng di truyền đó trong quần thể thổ dân phản ảnh khoảng thời gian rất dài mà họ đã sinh sống ở lục địa này"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục