Thổ cẩm Sa Pa - Lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống bản địa

Bằng đôi tay khéo léo, những thiếu nữ người dân tộc bản địa tại Sa Pa đang dệt nên những “vũ điệu” thổ cẩm, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.
Thổ cẩm Sa Pa - Lưu giữ nét đẹp văn hóa truyền thống bản địa ảnh 1Làm hàng thổ cẩm tại Sa Pa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Những ngày tháng Bảy trời mưa như trút nước, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm tìm về xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, bởi không thể cưỡng lại sức hút đến kỳ lạ từ những bộ váy áo xòe hoa rực rỡ của các thiếu nữ Dao, Mông, đang tan chợ phiên về bản.

Đến mới thấy, nghe mới hiểu, bằng đôi tay khéo léo, những thiếu nữ người dân tộc bản địa đang dệt nên những “vũ điệu” thổ cẩm, lưu giữ giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc.

Bằng đường kim mũi chỉ, những người phụ nữ nơi đây đang dệt nên ấm no, hạnh phúc, góp phần xóa đói giảm nghèo tại địa phương.


Hướng đi thoát nghèo

Con đường gần 20km từ Sa Pa đưa chúng tôi đến trung tâm xã Tả Phìn, len lỏi qua từng dải ruộng bậc thang đẹp như một bức tranh thủy mặc. Ngay từ đầu bản Tả Phìn, chúng tôi đã bắt gặp từng tốp những người phụ nữ đang miệt mài với đường kim mũi chỉ, tước sợi để làm nên từng tấm thổ cẩm rực rỡ sắc màu.

Những cô bé, cậu bé lăng xăng chạy quanh ngó nghiêng vẻ đầy thích thú. Không khí của ngày làm việc nơi đây bình yên và đầy ắp tiếng cười. Người trong làng bảo rằng, Tả Phìn bây giờ khác xưa nhiều lắm, người Tả Phìn đã có cái ăn, trẻ con Tả Phìn đến lớp nhiều rồi, không còn lo đói nữa.

Kể về truyền thống của nghề, ở làng chẳng ai nhớ dệt thổ cẩm có từ bao giờ, chỉ biết cứ đời này qua đời khác, người người dệt thổ cẩm, nhà nhà dệt thổ cẩm. Những người phụ nữ nơi đây coi đó như công việc không thể thiếu hàng ngày.

Trước đây do điều kiện kinh tế và tư tưởng trọng nam khinh nữ nên cuộc sống của người phụ nữ nơi đây lạc hậu và khó khăn. Họ cặm cụi lao động, dệt váy áo để tự phục vụ mình, gia đình mà chẳng bao giờ nghĩ những sản phẩm từ đôi bàn tay khéo léo ấy lại làm nên một nét văn hóa đậm đà bản sắc vùng miền.

Nghề dệt thổ cẩm đã tạo việc làm cho hàng nghìn lao động bản địa, nâng cao nhận thức, địa vị trong gia đình và xã hội của người phụ nữ người dân tộc thiểu số. Các sản phẩm thổ cẩm làm ra ngày càng phong phú, đa dạng, thị trường được mở rộng cả trong và ngoài nước.

Hôm nay, nhắc đến cái tên Tả Phìn, du khách sẽ nhớ ngay đến nghề dệt thổ cẩm. Thổ cẩm ở đây không còn đơn điệu là những vật dụng hàng ngày nữa, người dân ở Tả Phìn đã biết may những đồ vật khác như: Túi khoác, ba lô, ví đựng tiền, khăn tay, vỏ gối, quần áo… để bán cho du khách đến tham quan. Họ vừa kiếm thêm thu nhập, đồng thời cũng gìn giữ, quảng bá cho nền văn hóa lâu đời của vùng miền Tây Bắc.

Bà Lý Mẩy Chạn - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân xã Tả Phìn, Chủ tịch Câu lạc bộ thổ cẩm cho biết: Ngay từ năm 1999, Hội Phụ nữ huyện Sa Pa đã xây dựng dự án bảo tồn và phát triển nghề thổ cẩm tại xã Tả Phìn, giúp các gia đình cải thiện được cuộc sống, tăng thu nhập; đồng thời phát triển nghề thổ cẩm truyền thống, góp phần quan trọng thực hiện bình đẳng giới, nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình.

Các sản phẩm thổ cẩm ngày càng phong phú, đa dạng, không chỉ được tiêu thụ tại địa phương, các vùng khác ở trong nước, mà còn được xuất khẩu sang các nước khác như Italy, Pháp, Mỹ... Câu lạc bộ thổ cẩm giờ đã có gần 300 người, với thu nhập hàng tháng đạt khoảng 500.000 đồng/người.

"Vũ điệu” đôi bàn tay

Tận mắt chứng kiến từng công đoạn sản xuất mới thấy những người phụ nữ nơi đây phải kỳ công như thế nào để làm nên những tấm thổ cẩm đẹp và độc đáo. Với các nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên như sợi bông, sợi lanh, lá trầu, củ nghệ, củ nâu, củ chàm… bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế của người phụ nữ thêu dệt lên những tấm vải đầy màu sắc, những hoa văn mang đậm bản sắc dân tộc.

Vào thăm nhà chị Lý Tả Mẩy, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, chúng tôi bị choáng ngợp bởi nhiều sản phẩm được xếp chồng lên nhau. Vừa vui vẻ tiếp chuyện khách vừa thoăn thoắt đôi bàn tay thêu trên các tấm vải, chị Mẩy cho biết ngày xưa thì chỉ biết dệt váy áo thôi, bây giờ làm được nhiều thứ lắm. Các hoa văn thì tự nghĩ ra thôi, cứ có chim rừng, hoa lá rừng là đẹp rồi. Các du khách người Tây rất thích những chiếc khăn, chiếc túi có họa tiết nhiều màu sắc. Làm cái này lâu lắm mà nhiều công đoạn.

Nói rồi chị bắt đầu hướng dẫn chúng tôi từng bước để có được những sản phẩm hoàn chỉnh. Thế mới biết, những tấm thổ cẩm được làm ra từ đôi bàn tay người phụ nữ không thể ngày một ngày hai. Từ việc vào rừng kiếm cây đem về phơi khô rồi tách lấy vỏ, sao cho vỏ cây mảnh đều nhau và không bị đứt nửa chừng. Những bó vỏ được cuộn chặt lại rồi cho vào cối giã, đánh bong hết bột chỉ, còn trơ lại sợi dai, sẽ cuộn lại thành những con sợi lớn.

Qua vài lần luộc nước tro bếp và một lần luộc nước sáp ong, sợi cây đã trắng và mềm hơn, lúc này mới đưa vào dệt thành vải thổ cẩm. Những người phụ nữ ở đây thường dệt bằng khung cửi đai lưng, chứ không phải kiểu khung cửi của người miền xuôi. Tấm vải được dệt xong còn phải giặt đi giặt lại nhiều lần cho thật trắng. Sau đó, tấm vải được trải lên khúc gỗ tròn, rồi dùng một phiến đá chà sáp ong trượt đi, trượt lại cho đến khi tấm vải thật phẳng.

Để có được những sản phẩm thêu đẹp, người phụ nữ phải nhuộm màu, phối màu, việc này đòi hỏi sự khéo léo và rất kỳ công. Có được những tấm vải ấy, những người phụ nữ lại tiếp tục tìm kiếm các mẫu thêu được lấy cảm hứng từ cuộc sống và cách điệu tạo nên những sản phẩm công phu, sáng tạo, với những họa tiết gần gũi, thân thiện nhất. Tất cả những mẫu thêu đều được làm bằng tay nhưng lại rất đều và đẹp.

Nói đến chuyện gìn giữ làng nghề, chị Chảo Sành On, xã Tả Phìn, huyện Sa Pa, cho biết trẻ em ở trong làng đều biết làm hết mà, phải dạy chúng từ bé, trước cả khi đến trường học cái chữ cơ. Cứ đi học về thì ngồi dệt và thêu với người lớn, ngày nghỉ học thì lên chợ bán hàng. Chúng thuộc cách thêu, cách làm sợi, chọn vải, cách tìm cây lấy màu, pha màu từ bao giờ mình cũng không biết nữa…

Vậy là từ câu chuyện mưu sinh đời thường, các thế hệ ở làng nghề đã gìn giữ truyền thống theo kiểu “cầm tay chỉ việc” như thế đã bao đời nay. Cùng với sự phát triển du lịch Sa Pa trong những năm gần đây, làng nghề thổ cẩm Tả Phìn đã dần đi lên, đời sống bà con dần phát triển.

Nhìn những đôi tay đều đều kéo từng sợi chỉ, uốn từng nét hoa tỉ mỉ, những đôi bàn tay của thiếu nữ Mông, Dao… bản địa đang dệt nên những mơ ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục