Với họa sỹ Lê Thiết Cương, nhà thơ Đặng Đình Hưng không chỉ là người thầy thơ ca, âm nhạc, văn chương và triết học, ông đồng thời là người khơi dậy cho họa sỹ phong cách tối giản đặc trưng - làm nên thương hiệu Lê Thiểt Cương.
Để tri ân người thầy của mình, họa sỹ Lê Thiết Cương đã tổ chức triển lãm “Về bến lạ” gồm 16 bức tranh bột màu trên giấy dó bồi vải màn, 7 bức tranh sơn dầu trên toan và 7 tác phẩm từ gốm.
Đây là cảm hứng sáng tạo của họa sỹ Lê Thiết Cương sau khi đọc các bài thơ trong cuốn sách “Một bến lạ” của cố thi sĩ Đặng Đình Hưng (ra mắt tháng 1/2021).
Tối 19/3, họa sỹ Lê Thiết Cương đã chia sẻ về cảm hứng của mình trong tọa đàm “Từ thi ca đến hội họa.” Sự kiện diễn ra tại Viện Pháp Hà Nội với sự tham gia của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và nhà thơ Nguyễn Thụy Kha.
Các diễn giả mang đến buổi toạ đàm những câu chuyện về thi ca và hội họa, gợi mở một góc nhìn khác về những tác phẩm tranh được lấy cảm hứng từ thơ.
Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, bức tranh vẽ trên cảm hứng từ bài thơ, câu thơ nên được coi là văn bản thứ hai của bài thơ đó, hay là một cách cảm khác về bài thơ đó bằng đường nét, bằng hình ảnh, bằng màu sắc, bằng chất liệu.
“Qua bức tranh, bài thơ ấy sẽ được dài rộng ra, sẽ sống thêm một đời sống khác, một đời sống bằng hình khối và màu sắc mà chỉ hội họa mới tạo ra được,” họa sỹ cho biết.
Theo họa sỹ, chỉ nên gọi các tác phẩm của ông là lấy cảm hứng từ thơ chứ không phải "minh họa thơ," bởi mỗi loại hình đều mang một ngôn ngữ riêng. Ông ví von rằng, hội họa với thơ giống như “một người hàng xóm,” có cuộc sống độc lập, bởi vậy hội họa sẽ chết nếu “chỉ sống tầm gửi” vào thi ca.
“Mỗi một môn nghệ thuật đều có ngôn ngữ riêng của nó, có đời sống của riêng mình. Sức sống của hội họa không phụ thuộc vào thơ ca và ngược lại. Sống biết chan hòa, gắn kết nhưng vẫn độc lập mới là sự tồn tại có ý nghĩa,” họa sỹ chia sẻ.
Tham dự tọa đàm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) cho rằng: “Trong bài thơ chứa đựng bức tranh và trong bức tranh chứa đựng bài thơ, giữa chúng có cái gì đó trộn lẫn nhau, tương tác, chuyển động liên tục.”
“Hội họa và thi ca tuy hai mà một, cái này là cảm hứng gợi mở cho cái kia, không có cái nào làm chính hay làm nền. Thi và họa tách biệt nhau về ngôn ngữ nghệ thuật nhưng sự cộng hưởng sẽ tạo nên chuyển động của cảm xúc, tư tưởng và thông điệp,” nhà thơ nhận định.
[Họa sĩ Lê Thiết Cương triển lãm tranh vẽ từ thơ của Đặng Đình Hưng]
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cũng đồng tình với ý kiến này, ông cho rằng: “Thi và họa là một cặp song tấu, nghĩa là họa không phải là phần đệm cho thi. Khi các nhà thơ luôn gắn bó với các họa sỹ thì những bài thơ của họ sẽ được chắp cánh từ chính những rung cảm của người họa sỹ.”
Tọa đàm là nơi các họa sỹ, nhà thơ hiểu về nhau, tìm thấy sự đồng điệu khi sáng tạo nghệ thuật. Theo họa sỹ Lê Thiết Cương, cũng bởi tìm thấy sự đồng điệu nên ba người mới có sự “tam tấu” hòa hợp như hôm nay.
Họa sỹ Lê Thiết Cương chia sẻ rằng ông sắp có một triển lãm tranh lấy cảm hứng từ ca từ của nhạc sỹ Trịnh Công Sơn. Trong năm 2022, ông cũng sẽ bày các tác phẩm vẽ tranh trên gốm, lấy cảm hứng từ “Truyện Kiều.”/.
Họa sỹ Lê Thiết Cương sinh năm 1962 tại Hà Nội, anh là con trai của nhà biên kịch, nhà thơ Lê Nguyên và nhà quay phim nổi tiếng Đỗ Phương Thảo. Lê Thiết Cương tốt nghiệp trung học năm 1984 và tham dự khóa học của trường Sân khấu-Điện ảnh Việt Nam ở Hà Nội những năm 1985-1990. Lê Thiết Cương nổi danh trong giới nghệ thuật là một nghệ sỹ đa tài với năng lực tiếp cận ở nhiều lĩnh vực: hội họa, nhiếp ảnh, làm gốm, viết văn, tổ chức và giám tuyển cho nhiều triển lãm nổi tiếng. Là một nghệ sỹ tự học, tuy nhiên sự nghiệp sáng tác của anh đã thành công từ rất sớm. Nhiều triển lãm cá nhân của anh được tổ chức ở trong và ngoài nước như: Hồng Kông, Singapore, Thái Lan, Mỹ, Hàn Quốc và nhiều nơi khác. Tranh của Lê Thiết Cương nằm trong bộ sưu tập Bảo tàng quốc gia Singapore, Ngân hàng Deutsche AG Hà Nội, Ngân hàng ABN Amro Singapore... |