Ngày 19/12, thịt gà nuôi cấy trong phòng thí nghiệm đã chính thức được đưa vào thực đơn phục vụ thực khách tại nhà hàng 1880 nằm ở khu trung tâm giải trí Robertson Quay của Singapore.
Đây được xem là dấu mốc lịch sử ẩm thực mà những người tạo ra sản phẩm này hi vọng góp phần giảm thiểu những tác hại đến môi trường từ hoạt động sản xuất thực phẩm của con người.
Một nhóm học sinh trong độ tuổi từ 14-18 đã được mời trở thành thực khách đầu tiên thưởng thức món ăn được chế biến từ thịt gà nuôi cấy này. Do các biện pháp hạn chế nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19, sự kiện này đều không có sự tham gia của giới truyền thông.
Hồi đầu tháng này, công ty khởi nghiệp Eat Just của Mỹ cho biết Singapore đã "bật đèn xanh" cho công ty này bán thịt gà được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Theo đó, Singapore đã trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép bán sản phẩm được gọi là thịt mà không phải từ động vật bị giết mổ.
Giám đốc điều hành Eat Just Josh Tetrick cho biết việc thương mại hóa sản phẩm này đưa con người tiến gần hơn tới thế giới nơi con người có thể ăn thịt mà không cần phải phá hủy rừng, gây tổn hại tới môi trường sống của các loài động vật hay sử dụng kháng sinh.
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ thịt ước tính sẽ tăng hơn 70% vào năm 2050, công ty cho rằng các sản phẩm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo nguồn cung cấp thực phẩm an toàn. Mặc dù vẫn còn những quan ngại rằng loại thịt này sẽ có giá khá đắt đỏ, song công ty đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong việc giảm giá thành.
[KFC hợp tác với công ty Nga sản xuất thịt gà trong phòng thí nghiệm]
Sản phẩm thịt trên được tạo ra bằng cách nuôi cấy các tế bào cơ của động vật trong một môi trường được kiểm soát. Các chất dinh dưỡng không được tế bào tổng hợp như sắt, vitamin B12... sẽ được bổ sung trong môi trường nuôi cấy để tạo ra các sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tương đương thịt động vật giết mổ.
Nhu cầu đối với các sản phẩm thay thế thịt động vật giết mổ đang gia tăng do lo ngại của người tiêu dùng về sức khỏe, bảo vệ động vật và môi trường. Các sản phẩm thịt thay thế có nguồn gốc thực vật đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các siêu thị và nhà hàng, phổ biến là của các công ty Beyond Meat và Impossible Foods. Tuy nhiên, thịt nuôi cấy từ tế bào động vật trong phòng thí nghiệm hiện vẫn trong giai đoạn sơ khai do chi phí sản xuất cao.
Trên thế giới có hơn 20 công ty đang thử nghiệm phát triển các sản phẩm thịt gà, thịt bò, cá nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, với hy vọng xâm nhập thị trường thịt thay thế thịt động vật giết mổ. Ước tính giá trị thị trường này lên đến 140 tỷ USD vào năm 2029.
Singapore, quốc gia công nghệ cao, đã trở thành trung tâm phát triển các thực phẩm bền vững, với các công ty khởi nghiệp sản xuất nhiều loại hàng hóa từ các "hải sản" được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm cho đến bánh bao làm từ trái cây nhiệt đới thay vì thịt lợn./.