Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, ngày 5/1, Ủy ban châu Âu (EC) đã hoan nghênh quyết định của Mỹ cho phép nhập khẩu trở lại thịt bò từ thị trường Ireland kể từ tháng Giêng, sau 16 năm đóng cửa do lo ngại thịt bò từ Liên minh châu Âu (EU) bị nhiễm bệnh “bò điên.”
Theo ủy viên châu Âu phụ trách y tế Vytenis Andriukaitis, phụ trách thương mại Cecilia Malmström và ủy viên phụ trách nông nghiệp Phil Hogan, động thái của Mỹ mở cửa thị trường đối với thịt bò của Ireland, quốc gia sản xuất thịt bò đứng thứ 6 của EU, là một tín hiệu tốt để dỡ bỏ lệnh cấm vận “phi lý và không cân xứng” từ sau cuộc khủng hoảng liên quan đến bệnh bò điên (BSE), cũng như tái lập các điều kiện thương mại bình thường giữa Mỹ và EU.
Các quan chức châu Âu mong muốn Mỹ hành động nhanh chóng để mở rộng chấp thuận đối với các quốc gia khác của EU, đồng thời sử dụng đầy đủ các yêu cầu nhập khẩu phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
Lệnh cấm nhập khẩu thịt bò châu Âu được Mỹ áp đặt kể từ tháng 1/1998, kể cả đối với thịt cừu, dê và các sản phẩm chế biến từ các loại thịt này, do lo sợ nguy cơ nhiễm bệnh bò điên. Những biện pháp này đã vượt quá tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), trong đó quy định thịt bò lọc xương là an toàn và có thể được tự do mua bán, bất kể tình trạng bệnh bò điên.
Ngoài ra, OIE cũng đánh giá tình trạng nguy cơ nhiễm bệnh bò điên ở các nước thành viên EU và ghi nhận những nỗ lực rất lớn của EU đầu tư để kiểm soát và loại trừ bệnh này. OIE cho rằng thịt bò EU là an toàn. Thị trường nội bộ EU đã đưa ra một mức độ cao về an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cả trong và ngoài nước, dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế và khoa học vững chắc.
Mỹ là quốc gia tiêu thụ thịt bò lớn nhất thế giới. Sau khi đóng cửa thị trường với EU, Mỹ nhập khẩu thịt bò chủ yếu từ Australia, New Zeland và Canada./.