Năng lực cạnh tranh thấp, thiếu vốn, khả năng liên kết lại yếu..., rất ít các doanh nghiệp Việt Nam có đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng sản xuất của các tập đoàn quốc tế lớn.
Đây cũng là những thách thức được nêu ra tại Hội thảo “Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng thời kỳ hội nhập,” do Bộ Công Thương tổ chức sáng 6/10, tại Hà Nội.
[Rất ít doanh nghiệp có thể kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu]
Thiếu doanh nghiệp dẫn dắt
Số liệu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mới đây cho thấy, trong số các doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động tại Việt Nam thì doanh nghiệp lớn chiếm chưa đầy 2%, trong khi doanh nghiệp vừa chiếm từ 2-5% còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.
Từ những hạn chế này, theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam, đây sẽ là bài toán vô cùng khó của các doanh nghiệp nội khi tham gia thị trường hội nhập sâu rộng hơn với nền kinh tế thế giới.
Ông Tuấn cho rằng, việc thiếu vốn, thiếu công nghệ, thiếu trình độ quản lý, thậm chí là thiếu sự liên kết, đặc biệt là các cơ chế chính sách cho tổ chức doanh nghiệp tham chuỗi đôi khi vẫn còn chung chung, chưa đi vào thực tiễn... tất cả những yếu tố này là rào cản lớn đối với cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Trong khi đó, việc xây dựng chuỗi cung ứng mang lại hiệu quả lớn, nhưng để xây dựng thành công cũng không đơn giản. Ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận, “Cái khó nhất hiện nay là hàng hóa có chất lượng không, giá có tốt hay không? Thực ra, hiện nay chuỗi phải đi tìm hàng hóa”.
Không chỉ như vậy, một điểm bất cập lâu nay mà các chuyên gia vẫn thường đề cập, đó chính là việc kết nối doanh nghiệp trong và ngoài nước còn mờ nhạt, hiệu ứng lan tỏa về công nghệ và năng suất lao động từ đối tác nước ngoài đến khu vực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế.
Theo bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, để tham gia vào chuỗi cung ứng đòi hỏi sản phẩm của các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chí về tiêu chuẩn, chất lượng, mẫu mã, áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như phải đảm bảo yêu cầu về An toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy vậy, đầu mối để liên doanh, liên kết nhằm tạo ra nguồn sản phẩm số lượng lớn để đáp ứng và đưa vào các chuỗi của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, vẫn chưa có doanh nghiệp đủ lớn, đủ mạnh đứng ra làm đầu tầu dẫn dắt các sản phẩm đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, thủ công mỹ nghệ...
Cần chủ động để thích ứng
Chia sẻ tại Hội thảo "Việt Nam trước ngã rẽ tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu thế hệ mới" do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng thế giới tổ chức ngày 7/9, tại Hà Nội,
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng băn khoăn về năng lực cạnh tranh của khối doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi cho rằng rất ít doanh nghiệp có thể kết nối vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ông Hải cho biết, hiện chỉ có khoảng 300 doanh nghiệp Việt Nam đủ năng lực để tham gia chuỗi cung ứng nhưng cũng chỉ mới cung ứng các phụ tùng thay thế chứ chưa tham gia sản xuất các sản phẩm chính.
Thực tế này đòi hỏi sự vươn lên trước tiên phải là của doanh nghiệp, còn về phía Nhà nước, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, Chính phủ đã giao các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương xây dựng cơ chế chính sách cũng như các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp phát triển chuỗi cung ứng bền vững.
Theo đó, Bộ Công Thương đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một số Đề án, Chương trình đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tổ chức chuỗi ung ứng hàng hóa và một số chương trình liên kết vùng miền, bình ổn thị trường của các tỉnh, thành phố.
"Việc tham vấn ý kiến các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp sẽ góp phần định hình rõ nét hơn hiện trạng và khả năng của Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm xây dựng một hệ thống công vụ kiến tạo, liêm chính và hành động," Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.
Còn theo bà Trần Thị Phương Lan, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Công Thương và các ngành liên quan tập trung hỗ trợ giúp đỡ các doanh nghiệp sản xuất phát triển, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp.
Điểm nhấn của những chính sách này là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động Xúc tiến thương mại, khuyến công, giúp doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu về cơ chế chính sách và yêu cầu của các nước trong lĩnh vực này qua đó chủ động trong khâu sản xuất kinh doanh của mình.
Ngoài ra, thành phố cũng hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình triển lãm trong nước và quốc tế để so sánh xem sản phẩm của các doanh nghiệp nội đang đứng ở vị trí như thế nào so với các nước, từ đó để doanh nghiệp tự nghiên cứu, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm và hơn thế nữa, từng bước thiết lập mạng lưới phân phối cũng như tham gia vào chuỗi cung ứng./.