Thiếu vốn trung dài hạn, lãi suất cho vay khó có thể giảm

Nhiều phân tích cho thấy, do đầu năm 2018 bắt đầu siết lại nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên các ngân hàng rất khó giảm lãi suất cho vay.
Thiếu vốn trung dài hạn, lãi suất cho vay khó có thể giảm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Vào thời điểm giữa tháng Chín, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát và thị trường tiền tệ, phấn đấu tiếp tục giảm 0,5% lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm 2017. Tuy nhiên chỉ còn nửa tháng nữa là hết năm 2017 và 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán nhưng yêu cầu này chắc khó thực hiện được.

Nguyên nhân đây cũng chính là thời điểm các ngân hàng bước vào vụ kinh doanh mùa cao điểm, cộng thêm trả lương, thưởng Tết cho nhân viên. Ngoài ra, do đầu năm 2018 bắt đầu siết lại nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn nên các ngân hàng rất khó giảm lãi suất.

Đầu vào không ổn định

Các ngân hàng đã “ra quân” đồng loạt nhằm đẩy nhanh tốc độ tăng tiền gửi, tiền vay, các sản phẩm thẻ và dịch vụ tài chính khác.

Lãi suất rầm rộ tăng mạnh là vào hồi đầu tháng 11 mà nổ phát "súng" đầu tiên là BIDV, sau đó nhiều ngân hàng cũng có sự điều chỉnh theo với biên độ nhỏ và dè dặt.

Tuy nhiên, đến tuần cuối tháng 11, lãi suất huy động của một số ngân hàng lại quay đầu về mức cũ, thậm chí thấp hơn so với trước khi tăng. Đơn cử, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-9 tháng của VietinBank còn ở mức 5,5%/năm thay vì mức 5,8%-6% như trước. Trên thị trường liên ngân hàng, nếu đầu tháng 11 lãi suất bình quân liên ngân hàng đồng VND kỳ hạn qua đêm có lúc ở mức hơn 1,5%/năm thì đến hết ngày 29/11, giảm xuống còn 0,7%/năm…

Bên cạnh đó, các chuyên gia của Ủy ban Giám sát cũng nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 11 nhìn chung ổn định. Thanh khoản hệ thống được hỗ trợ lớn từ việc Ngân hàng Nhà nước mua được lượng lớn ngoại tệ và cung ứng tiền ròng khoảng gần 124.000 tỷ đồng từ đầu năm đến nay. Tỷ lệ tín dụng/huy động (LDR) bình quân của hệ thống đạt khoảng 86,9%, tăng nhẹ so với mức 85,6% cuối năm 2016. Những tưởng dòng tiền đã ổn định thì việc giảm nhẹ lãi suất cho vay có thể thực hiện được theo yêu cầu của Chính phủ.

Tuy nhiên, trong mấy ngày gần đây, một số ngân hàng thương mại cổ phần tại tiếp tục tăng lãi suất huy động. Đơn cử, VPBank nâng lãi suất ở tất cả các kỳ hạn thêm ít nhất là 0,3 điểm phần trăm và nhiều nhất là 0,6 điểm phần trăm và các mức lãi suất khác nhau tùy thuộc số tiền gửi của khách hàng, áp dụng từ ngày 8/12.

Cụ thể, với các khoản tiền dưới 100 triệu đồng, VPBank áp dụng lãi suất 5,3% cho các kỳ hạn từ 1 tháng đến 5 tháng nhưng từ 100 triệu trở lên thì được lãi suất là 5,5%/năm. Lãi suất này cao hơn hẳn so với mức 5%/năm áp dụng trước ngày 8/12.

Kỳ hạn 6 tháng được VPBank điều chỉnh tăng mạnh nhất, từ 6,4% lên 7%/năm cho khoản tiền dưới 100 triệu và dao động từ 7,1% đến 7,4%/năm cho khoản tiền lớn hơn. Kỳ hạn từ 6 tháng trở lên được VPBank chào mời lãi suất ít nhất là 7%/năm và nhiều nhất là 7,5%/năm.

[Thống đốc yêu cầu các ngân hàng cắt giảm chi phí để hạ lãi suất]

Còn tại Sacombank, ngân hàng này cũng vừa điều chỉnh lãi suất từ ngày 12/12, trong đó kỳ hạn 1 tháng giữ nguyên, kỳ hạn 2 tháng tăng thêm 0,2 điểm phần trăm từ 5,1% lên 5,3%/năm, kỳ hạn 3 tháng tăng thêm 0,1 điểm lên 5,5% - ngang với kỳ hạn 4 tháng và 5 tháng.

Tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng đến 8 tháng ở Sacombank tăng từ 6% lên 6,2% trong khi các kỳ hạn dài hơn đến dưới 12 tháng là 6,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm. Các kỳ hạn 1 năm trở lên được áp dụng lãi suất cao từ 7,05% đến 7,4%/năm, đặc biệt nếu khách hàng có 500 tỷ trở lên gửi kỳ hạn 13 tháng thì lãi suất là 7,6%/năm.

Một số ngân hàng khác cũng điều chỉnh tăng nhưng với mức tăng nhẹ hơn.

Thiếu vốn trung dài hạn, lãi suất cho vay khó có thể giảm ảnh 2Lãi suất cho vay vẫn khó giảm. Ảnh minh họa. (Nguồn: VietinBank)

Vẫn là bài toán khó

Đối với việc tăng lãi suất huy động giai đoạn này, theo nhìn nhận của ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, các ngân hàng hút vốn nhiều hơn không chỉ phục vụ đầu ra mà còn đảm bảo các chỉ số thanh khoản đáp ứng quy định tại Thông tư 36 của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu áp dụng từ đầu năm 2018.

Theo quy định tại Thông tư 36, hệ số sử dụng vốn của ngân hàng trong năm tới chỉ còn là 80% thay vì 90% như hiện tại. Như vậy, đồng nghĩa với việc chi phí vốn ngân hàng phải trả tăng lên khi huy động 10 đồng chỉ được sử dụng 8 đồng chứ không được 9 đồng như trước kia nữa. Chi phí đầu vào cũng sẽ tăng lên nếu các ngân hàng không căn chỉnh được nguồn vốn tốt có thể dẫn đến câu chuyện đầu ra tăng lên.

Bên cạnh đó, chỉ số sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn được điều chỉnh xuống còn 45%. Ngân hàng nào chưa đáp ứng được chỉ số này thì có hai lựa chọn, một là giảm cho vay trung dài hạn và hai là phải tăng huy động vốn nhất là vốn trung dài hạn.

“Năm nay Ngân hàng Nhà nước rất nghiêm khắc trong việc yêu cầu các ngân hàng thực hiện đảm bảo các chỉ số thanh khoản. Cho nên nói chung phần lớn các ngân hàng đều nghiêm túc triển khai,” ông Tùng chia sẻ thêm.

Còn chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực cũng đưa ra 4 nguyên nhân khó có thể giảm lãi suất trong thời điểm này. Thứ nhất là lạm phát năm nay kiểm soát tốt nhưng nếu không cẩn thận thì sang năm có thể tăng nhanh trong bối cảnh lượng cung tiền ra khá lớn đồng thời với việc Chính phủ đồng ý tăng giá cả một số loại hàng hóa cơ bản, trong đó có giá điện. Theo nghiên cứu của ông Lực thì giá cả hàng hóa thế giới trong năm 2017 tương đối ổn định nhưng năm 2018 có thể tăng do nhu cầu và sự phục hồi tốt của kinh tế thế giới.

Thứ hai là nợ xấu. Mặc dù Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng giúp nợ xấu xử lý được nhanh hơn, nhưng đây vẫn là một quá trình không phải trong ngày một ngày hai. "Nợ xấu nếu chưa được xử lý nhanh hơn hiệu quả hơn thì sẽ khó giảm lãi suất," ông Lực nhấn mạnh.

Thứ ba là chênh lệch đầu ra đầu vào của Việt Nam ở mức tương đối thấp so với khu vực, chỉ 2,2-2,4%, trong khi mức này tại Trung Quốc khoảng 3%, Philippines, Indonesia khoảng 2,8-3%... Mặc dù các ngân hàng có cùng mức rủi ro nhưng chênh lệch lãi suất của Việt Nam lại thấp hơn.

Cuối cùng, là do nhu cầu nguồn vốn, đặc biệt là nhi cầu tăng trưởng tín dụng ở mức 18-20% theo ý kiến của Chính phủ.

Vấn đề này cũng được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà Nghị quyết của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ thì trong điều hành chính sách tiền tệ nói chung cũng như lãi suất nói riêng hệ thống ngân hàng luôn luôn phải làm sao đó để giảm các chi phí cho doanh nghiệp và cho nền kinh tế, đấy là nhiệm vụ đặt lên hàng đầu.

Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng, lãi suất ở Việt Nam cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như quan hệ cung cầu vốn ở trên thị trường và tình hình diễn biến kinh tế vĩ mô và các yếu tố khác có liên quan như chính sách điều hành tỷ giá, tình hình an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng nhưng quan điểm xuyên suốt của Chính phủ và của Ngân hàng nhà nước là kiên định mục tiêu ổn định vĩ mô và kiểm soát được lạm phát, giữ được lạm phát ở mức thấp.

Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng trong các hoạt động kinh doanh của mình phải tập trung vào việc tiết giảm chi phí để qua đó giảm được chi phí cho vay trong nền kinh tế và đồng thời với việc đó các tổ chức tín dụng phải đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu. Trên cơ sở đạt được kết quả tốt về xử lý nợ xấu sẽ góp phần giảm bớt những tài sản không sinh lời trong hệ thống các tổ chức tín dụng, qua đó cũng trực tiếp góp phần giảm lãi suất cho vay.

Cũng theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, việc quan trọng nữa cũng phụ thuộc vào điều kiện cung ứng vốn ở trên thị trường là hệ thống ngân hàng Việt Nam phải cung ứng số lượng vốn rất lớn cho nền kinh tế, trong đó nhu cầu vốn đầu tư trung, dài hạn từ hệ thống ngân hàng cũng rất lớn, trong khi nguồn vốn huy động lại chủ yếu vốn ngắn hạn và vốn dưới 12 tháng.

"Cho nên việc này cũng là một vấn đề trong điều hành vĩ mô phải hết sức lưu ý chênh lệch kỳ hạn để tránh rủi ro trong hoạt động ngân hàng nhưng mục tiêu giảm lãi suất luôn luôn là một trong những mục tiêu chúng tôi hướng đến trong tương lai," Thống đốc nhấn mạnh./.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Cấn Văn Lực chỉ ra 4 nguyên nhân khó giảm lãi suất cho vay
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục