Các chuyên gia ADB cho rằng, Việt Nam nên yêu cầu bắt buộc xếp hạng trái phiếu. Chính phủ nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng đã từng yêu cầu điều này. Doanh nghiệp nên coi nó như một chi phí bắt buộc trong phát hành trái phiếu và chi phí đó phục vụ cho chính lợi ích của doanh nghiệp. Họ xây dựng văn hóa tín nhiệm và là công cụ bắt buộc để kiểm soát tính lành mạnh của thị trường.
Đó là nội dung tại báo cáo 'Tiềm năng đầu tư nước ngoài vào cơ quan xếp hạng tín dụng trong nước tại Việt Nam' vừa được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) xuất bản. Báo cáo này được ADB xây dựng để đánh giá mức độ hấp dẫn của thị trường trái phiếu Việt Nam từ quan điểm của một cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu.
Thị trường trái phiếu khởi sắc
Báo cáo này nhìn lại, so với các quốc gia châu Á khác, Việt Nam bị ảnh hưởng ít nhất từ dịch bệnh do COVID gây ra. Mặc dù dự kiến có sự suy giảm tăng trưởng kinh tế ngắn hạn trong năm 2020, song nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2021 và giữ vững vị thế là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất của khu vực.
Theo đánh giá của ADB, sau nhiều năm tăng trưởng chậm chạp, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã nở rộ. Các đợt phát hành đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 40% từ năm 2012 đến năm 2019 và các đợt phát hành còn tồn đọng lên tới khoảng 11,5% GDP của Việt Nam-cao thứ tư trong ASEAN và nhiều khả năng sẽ còn tăng thêm nữa.
[ADB: Trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam tăng mạnh 65,6%]
Cũng theo các chuyên gia ADB, thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng kể từ năm 2017 và lượng phát hành trị giá 12,8 tỷ USD trong năm 2019 đã lớn hơn so với con số của Indonexia và Philippin. Trái phiếu phát hành riêng lẻ chiếm tới 94% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong năm 2018 và 2019 sau khi có sự nới lỏng các quy định về công bố thông tin và điều kiện phát hành.
Điều đó cho thấy, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam đã khởi sắc sau nhiều năm tăng trưởng chậm.
Xếp hạng trái phiếu
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích của ADB, việc thiếu văn hóa xếp hạng tín nhiệm đặt ra những rủi ro đáng kể đối với thị trường trái phiếu và lĩnh vực tài chính. Đặc biệt khi các nhà đầu tư riêng lẻ hiện đang sở hữu gần một phần tư tổng lượng trái phiếu phát hành.
Báo cáo chỉ ra rằng, việc xếp hạng tín nhiệm khá hiếm bởi Việt Nam hiện vẫn thiếu cơ quan xếp hạng tín nhiệm nội địa. Hiện mới chỉ có hai công ty xếp hạng tín nhiệm trong nước đã được Bộ Tài chính cấp phép (công ty thứ nhất trong năm 2017 và công ty thứ hai vào tháng 3/2020). Thế nhưng, cả hai đơn vị này đều chưa hoạt động vì còn khá mới mẻ.
Luật Chứng khoán mới ban hành năm 2019 yêu cầu một số trái phiếu phát hành ra công chúng (nhưng không phải phát hành riêng lẻ) phải được xếp hạng bởi một đơn vị xếp hạng tín nhiệm trong nước sẽ có hiệu lực kể từ tháng 1/2021.
Hơn nữa, dự thảo các quy định hướng dẫn thực hiện Luật Chứng khoán mới chỉ đòi hỏi rất ít, nếu không muốn nói là không đòi hỏi, trái phiếu phát hành phải được xếp hạng, khác với các thị trường ASEAN khác nơi quy định bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm đối với các trái phiếu phát hành ra công chúng-và thường là cả phát hành riêng lẻ-trong suốt những năm hình thành trái phiếu.
Đại diện ADB cho rằng, Việt Nam nên yêu cầu bắt buộc xếp hạng trái phiếu. Chính phủ nhiều nền kinh tế trong khu vực cũng đã từng yêu cầu điều này. Doanh nghiệp nên coi nó như một chi phí bắt buộc trong phát hành trái phiếu và chi phí đó phục vụ cho chính lợi ích của doanh nghiệp. Họ xây dựng văn hóa tín nhiệm và là công cụ bắt buộc để kiểm soát tính lành mạnh của thị trường.
Cùng với đó, các đơn vị xếp hạng tín nhiệm tại khắp các nước châu Á hiện đã thiết lập quan hệ đối tác với các cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu để có được uy tín. Theo ADB, Việt Nam muốn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng cần đi theo mô hình đó.
"Một cơ quan xếp hạng tín nhiệm đáng tin cậy là yếu tố còn thiếu trong thị trường trái phiếu Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trường bùng nổ. Việc hợp tác với cơ quan xếp hạng tín nhiệm toàn cầu sẽ giúp giải phóng cho tiềm năng của thị trường, thế nhưng các tổ chức toàn cầu cũng cần chắc chắn rằng Việt Nam thực sự có nhu cầu cần được xếp hạng," các chuyên gia ADB nhấn mạnh.
Cuối cùng, việc phát hành ra công chúng cũng cần phải được cân nhắc. Trong năm 2018 và năm 2019, phát hành riêng lẻ chiếm 94% lượng trái phiếu phát hành. Để tránh gia tăng tình trạng bất thường này, bất kỳ bước đi nào hướng tới việc xếp hạng bắt buộc trái phiếu phát hành ra công chúng cũng cần phải được kết hợp với hợp lý hóa hoạt động chào bán ra công chúng và thắt chặt các quy định về phát hành riêng lẻ.
“Chính phủ có thể đặt nền móng thông qua các biện pháp cải cách thúc đẩy nhu cầu xếp hạng tín nhiệm và khuyến khích sự phát triển thận trọng của thị trường trái phiếu doanh nghiệp,” chuyên gia ADB nhấn mạnh./.