Thiếu tướng Nam Hà: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”

Hồ hởi, vui vẻ trong những phút đầu bao nhiêu thì khi gợi lại câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa, Thiếu tướng Bùi Nam Hà bỗng rưng rưng hoài niệm...
Thiếu tướng Nam Hà: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” ảnh 1Thiếu tướng Bùi Nam Hà. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Ấn tượng đậm nét nhất về Thiếu tướng Bùi Nam Hà với tôi có lẽ là hình ảnh ông với mái tóc trắng như cước ngồi “lướt ipad ầm ầm, gõ máy chữ nhoay nhoáy, dùng điện thoại thành thạo như thanh niên...”

Vừa mừng thượng thọ 90 nhưng Thiếu tướng Bùi Nam Hà vẫn tự bấm thang máy khu chung cư cao cấp Saigon Pearl xuống đón tôi với dáng vẻ nhanh nhẹn, thần thái tinh anh.

Hồ hởi, vui vẻ trong những phút đầu bao nhiêu thì khi gợi lại câu chuyện về chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vị tướng ấy bỗng rưng rưng hoài niệm. Ông bảo, không phải tự dưng thích khóc đâu, vì tưởng không còn nước mắt...

“Cách đây 20 phút, một anh bạn gọi tôi bảo chuẩn bị ít tài liệu để kỷ niệm 70 năm thành lập Đại đội ở Hà Nội, giở danh sách tên các đồng chí đã mất ra xem, miệng tôi cười mà nước mắt cứ thế chảy ra...,” Thiếu tướng Bùi Nam Hà đã bắt đầu câu chuyện với tôi như thế.

“Nhất tướng công thành vạn cốt khô”

- Thưa thiếu tướng, một quá khứ về những năm tháng hào hùng nhưng cũng đầy mất mát, đau thương là chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi lại phía sau. Giờ đây, sau 60 năm ngồi bình tâm nhìn lại, tôi muốn được biết điều gì của cuộc chiến này khiến ông thấy ám ảnh nhất?

Thiếu tướng Bùi Nam Hà: Hay đấy, câu hỏi rất đúng với tâm cảm tôi lúc này. “Điều gì khiến ông thấy ám ảnh?” Thế mà tôi cứ đinh ninh cô sẽ hỏi điều gì khiến bác ấn tượng, phấn khởi sau chiến thắng Điện Biên cơ đấy...

Ngày xưa, bố tôi là cai thầu, thằng Nhật vác lên quật cụ giập phổi ở sân bay Gia Lâm.Cụ ốm hai năm thì chết. Thù nhà. Cho nên đánh Pháp tôi coi như đánh Nhật, quân xâm lược mà.

Thế kỷ thứ 18, Điện Biên Phủ gọi là vùng Tổng Khao (tiếng Thái là xương trắng) vì giặc Phẻ từ Trung Quốc sang tàn sát người dân. Vua Lê chúa Trịnh, đại quân của Hoàng triều rút chạy. Tướng nghĩa quân Hoàng Cung Chất đánh từ Thanh Hóa sang giải vây... Đấy là nợ nước.

Vì thế, đại quân của Bác Hồ, tướng Giáp tới là để trả món nợ này. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, không quân Pháp đánh bom tàn sát toàn bộ lòng Long Nhai (tiếng Thái là cánh đồng lạnh), giết hơn 400 người, trong đó hơn nửa là phụ nữ và trẻ em.

Lúc đó tôi chỉ nghĩ đến thù nhà, nợ nước. Đó là sự ám ảnh. Trung đoàn tôi có 2.700 chiến sỹ, 300 thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, người sống cứ lao lên và người chết, bị thương, bệnh thì lùi về đằng sau. Không có con đường nào khác là phải đánh, phải xông vào. Tôi, Trung đoàn trưởng, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308 phải đứng trên chiến hào chứ không phải trong hầm lô cốt. Tôi đi sau tiểu đoàn của Quốc Trị. Quốc Trị phải xuống đại đội Nguyễn Viết Thiềng và Vũ Thược, đằng sau là đại đội của Lê Nam Phong... Tất cả những điều đó đã trở thành nỗi ám ảnh trong tôi.

- Vâng, nhắc đến Trung tướng Lê Nam Phong, mới đây thôi Trung tướng có chia sẻ với tôi, rằng ông là người chiến đấu rất ngoan cường, cứng rắn trong mọi hoàn cảnh. Xin hỏi, có khi nào ông mềm lòng và rơi lệ trước những cái chết của chiến binh mà phải đắn đo giữa thực thi “quân lệnh như sơn” với cân nhắc thiệt hơn cho quân của mình?

Thiếu tướng Bùi Nam Hà: Ngày đó là sự lựa chọn, chuyển tử sỹ và thương binh về sau, ra lệnh cho quân tiến lên, nhất định phải chiếm được sân bay Mường Thanh. Vì chẳng có lựa chọn nào khác. Cũng không cần phải chờ “quân lệnh như sơn.” Bản thân tôi phải ra lệnh.

Một khi Trung đoàn trưởng đã ra lệnh thì các tiểu đoàn trưởng chỉ có tiến lên, quân lính nắm chắc tay súng tiến lên tiêu diệt địch, còn hy sinh là điều tất nhiên của chiến tranh và cái giá phải trả. Nhưng đánh cách gì thì đánh, phải lựa chọn cách tốn ít xương máu binh sỹ nhất. Thậm chí, nếu lúc đó hết quân Trung đoàn trưởng là tôi cũng phải đích thân xông lên chiếm lấy sân bay Mường Thanh. Khi đó lại là “quân lệnh như sơn.”

“Nhất tướng công thành vạn cốt khô,” chúng tôi hiểu hơn ai hết. Tướng của thời đại chúng tôi không phải là những thần tướng trên trời sa xuống để dẹp can qua, không có chuyện như tiểu thuyết, mà tướng này từ chiến trận mà lên, từ chiến sỹ mà lên.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chủ lực của ta là Tổng dự bị chiến lược tinh nhuệ thiện chiến, trình độ chiến đấu rất cao. Và tư tưởng chính trị lúc đó là chấp hành triệt để mệnh lệnh.

Thiếu tướng Nam Hà: “Nhất tướng công thành vạn cốt khô” ảnh 2Thiếu tướng Nam Hà kể lại những kỷ niệm chiến đấu. (Ảnh: ChiLê/Vietnam+)

Có một Xuân khúc Điện Biên Phủ…

- Thiếu thốn về vật chất, căng thẳng về tinh thần, bị đẩy vào ranh giới giữa sống và chết mỏng manh, đôi khi suy kiệt về sức khỏe... những người như ông thời đó lấy đâu ra sức mạnh để vượt qua tất cả và chỉ đạo quân sỹ chiến thắng quân thù như vậy?

Thiếu tướng Bùi Nam Hà: Sức mạnh của Bùi Nam Hà là sức mạnh của 2.700 chiến sỹ. Còn sức mạnh của Trung đoàn tổng dự bị chiến lược tinh nhuệ thiện chiến lấy từ nhân dân, đồng bào dân tộc Tây Bắc, Việt Bắc, Bắc Bộ. Họ đã dành hết tất cả của cải vật chất để nuôi quân.

Xót xa lắm, ngày ấy ở Điện Biên cháu nhỏ mấy tháng tuổi phải nuôi lớn bằng nước lõi ngô, cụ già nhai lõi ngô và húp cháo loãng để sống. Vì hạt ngô đã dành làm bánh và nấu cháo cho thương binh. Sức mạnh của chúng tôi chính là từ nhân dân.

Nhờ đồng bào cả nước mà bộ đội Điện Biên Phủ không đói mà rất no để có sức khỏe chiến đấu. Thậm chí, nhờ có “bếp Hoàng Cầm” mà giữa hai trận chiến đấu có những hôm bộ đội còn được ăn chè bà cốt.

Nhưng trên hết là lòng căm thù quân giặc đã tạo nên sức mạnh cho quân sỹ. Đúng như câu hát: “Dốc núi cao cao nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi. Vực sâu thăm thẳm vực nào sâu bằng chí căm thù.”

- Đúng là sức mạnh đồng lòng của triệu người mới làm nên điều đó. Xin hỏi, là vị tướng ngoài mặt trận, nhưng tôi lại được biết ông từng chọn con đường đi B thay vì được cấp trên trao cho cơ hội du học. Giả sử có thể làm lại, ông có lựa chọn khác không?

Thiếu tướng Bùi Nam Hà: Đầu năm 1964, vừa tốt nghiệp ở Học viện quân sự Bắc Kinh về Việt Nam thì Thiếu tướng Phạm Ngọc Mậu hỏi tôi, giờ một là có đoàn đi B cần các cấp từ cán bộ sư đoàn trở lên [lúc đó thượng tá Nam Hà đang ở cương vị Sư đoàn trưởng, Cục phó Cục Quân huấn-PV], hai là tiếp tục đi tu nghiệp thêm ở Liên Xô, Nam Hà chọn cái nào? Tôi mới buột miệng trả lời đi B. Vì năm 1964 đi B là phong trào sôi động trên cả nước.

Lúc đó hai cô con gái mới trứng gà trứng vịt còn thằng út vẫn nằm trong bụng mẹ. Nhưng bà xã tôi chỉ nói thôi anh cứ đi đi, mọi việc ở nhà để em lo. Những người vợ thời kỳ đó không ai giữ chồng, mà còn xui chồng ra trận. Thế là tôi, không đi du học, không chờ vợ đẻ mà đi B và cũng phải hai năm sau tôi mới biết vợ sinh con trai.

Nếu giờ được chọn lại tôi vẫn sẽ chọn con đường ấy. Vì đó là con đường đúng đắn.

- Vâng, 60 năm đã đi qua, ông muốn nói điều gì với thế hệ những người trẻ như tôi về thế hệ những người lính Điện Biên Phủ như ông thời đó, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Bùi Nam Hà: Chúng ta học tập Bác Hồ và thực hiện theo lời dạy của Bác. Tôi dặn lại thế hệ trẻ như vậy. Thế hệ trẻ phải xây dựng đất nước to đẹp hơn, giàu mạnh bây giờ để sống sung sướng.

Phạm Tuân vào vũ trụ là nhờ Liên Xô thì sau đây thì các anh các chị phải tự làm ra tàu vũ trụ mà tự bay, phải phát triển không quân vũ trụ. Bên cạnh đó, giải quyết triệt để ùn tắc giao thông, mở rộng đường xá cho đại quân cơ giới hóa hành tiến.

Tôi muốn thay lời kết bằng bài thơ tôi mới làm nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ:

Xuân khúc Điện Biên 2014

Phủ Điện Biên “trường ca xuân khúc”/ 60 năm thấm thoắt thoi đưa/ Chiến trường xưa “đây miền Tây Bắc”/ Chào mừng ngày chiến thắng Điện Biên/ Từ thuở mang gươm đi giữ nước/ Đồng bào nhớ mãi Bác-Anh Văn”/ Cách mạng mùa thu - Cộng Hòa lập quốc/ Hòa bình giải giáp “phong kiến đế vương”/ Cờ hồng Quang Trung, cờ của Đảng/ Đông Dương cộng sản Đảng Việt Nam/ Việt-Miên-Lào chung lưng đấu cật/ Biển Đông Nam á-ASEAN muôn năm./.

Xin cảm ơn những chia sẻ của Thiếu tướng và chúc ông nhiều sức khỏe!

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục