Thiếu sự đoàn kết trên ''mặt trận'' vaccine COVID-19 toàn cầu

Hãng J&J muốn xây dựng một liên minh các hãng sản xuất vaccine nhằm thông tin thống nhất về lợi ích cũng như những phản ứng hoặc nguy cơ đối với người được tiêm, song nhiều hãng đã từ chối hợp tác.
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm AstraZeneca. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng Johnson & Johnson (J&J) đã kín đáo tiếp cận các hãng đối thủ cùng sản xuất vaccine COVID-19 và đề nghị hợp tác nghiên cứu nguy cơ đông máu khi tiêm vaccine, đồng thời cùng có tiếng nói chung về mức độ an toàn của các loại vaccine COVID-19.

Tuy nhiên, theo nguồn tin riêng của Wall Street Journal, cả hai hãng Pfizer và Moderna đã từ chối hợp tác.

Sau một số sự cố đông máu xảy ra gần đây sau khi chủng vaccine J&J, hãng J&J muốn xây dựng một liên minh các hãng sản xuất vaccine nhằm thông tin thống nhất về lợi ích cũng như những phản ứng hoặc nguy cơ đối với người được tiêm, để giúp người dân bớt lo ngại về các ca đông máu hiếm gặp vừa xảy ra.

Tuy nhiên những sự cố nói trên mới chỉ xảy ra với vaccine J&J, trong khi chưa có sự cố nào tương tự xảy ra khi tiêm vaccine Moderna và Pfizer.

Phía hãng Pfizer và Moderna từ chối hợp tác với J&J bởi cho rằng vaccine của họ hoàn toàn an toàn, hơn nữa làm như vậy sẽ chồng chéo với công việc của các cơ quan kiểm soát chất lượng dược phẩm - bên vốn đang tiến hành điều tra vì sao vaccine J&J lại gây ra một số trường hợp đông máu.

Hơn nữa, hai hãng Pfizer và Moderna cũng không muốn uy tín về độ an toàn vaccine của họ bị ảnh hưởng khi tham gia vào liên minh với J&J.

[J&J đề nghị các hãng dược cùng nghiên cứu hiện tượng đông máu]

Hiện chỉ có AstraZeneca nhận lời hợp tác với J&J do chính AstraZeneca cũng vướng vào sự cố có một số ca bị đông máu sau khi tiêm.

Tờ Wall Street Journal nhận định rằng việc các hãng dược lớn sản xuất vaccine từ chối hợp tác cho thấy sự đoàn kết trong ngành dược nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 còn nhiều hạn chế.

Đó cũng là những thách thức mà giới chức y tế cũng như các công ty dược phải đối mặt, khi họ vừa phải thông tin về những rủi ro có thể xảy ra khi tiêm vaccine đồng thời lại phải khuyến khích càng nhiều người dân tiêm càng tốt.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng mặc dù là những đối thủ cạnh tranh nhau rất gay gắt, các hãng dược lớn toàn cầu trong năm qua đã nhất trí chia sẻ nhiều thông tin liên quan tới nghiên cứu virus SARS-CoV-2 cũng như việc phát triển vaccine COVID-19.

Các nhà khoa học tại các hãng dược lớn sản xuất vaccine COVID-19 cũng duy trì các cuộc gọi thường xuyên trong suốt thời gian đại dịch diễn ra để trao đổi thông tin chuyên môn.

Giới chuyên gia y tế tại Mỹ đồng tình rằng các chính phủ và các công ty dược cần thông tin cởi mở về bất kỳ vấn đề gì liên quan vaccine, nhưng cần tránh những ngôn ngữ và hành động có thể khiến mọi người nghi ngại và lưỡng lự tiêm chủng, tạo cơ hội cho những thông tin sai lệch lại được dịp phát tán.

Các sự cố liên quan đông máu được biết tới lần đầu tiên hồi đầu tháng Ba năm nay liên quan tới vaccine AstraZeneca.

Thông tin đó đã khiến giới chức một số nước lớn tại châu Âu đã áp lệnh hạn chế sử dụng ở những độ tuổi nhất định trong lúc tiến hành điều tra nguyên nhân gây nên sự cố.

Hiện các cơ quan quản lý dược châu Âu cũng mở rộng điều tra đối với vaccine J&J của Mỹ, vốn là loại vaccine sử dụng công nghệ tương tư như của hãng AstraZeneca./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục