Thiếu lớp, Hà Nội xin cơ chế riêng để nâng tầng trường học

Thiếu phòng học, Hà Nội xin cơ chế riêng để nâng tầng các trường

“Giải pháp trước mắt là tìm quỹ đất, thứ hai là kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù nâng tầng cho các trường," ông Ngô Văn Quý nói.
Bàn học được thiết kế cho hai học sinh nhưng vẫn phải xếp ba em vì quá tải. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Lượng học sinh quá lớn, lại liên tục gia tăng mỗi năm đã và đang gây áp lực lên khả năng đáp ứng cơ sở vật chất trường học tại Thủ đô. Để giải quyết vấn đề này, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý đã kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù, được nâng tầng cho các trường học.

Quá tải trường lớp

Theo ông Ngô Văn Quý, năm 2018, Thủ đô đã dành 19.000 tỷ đồng để đầu tư cho giáo dục đào tạo, chiếm tỷ trọng 25,5% ngân sách. Hà Nội đã xây dựng 66 trường học và hơn 22.000 phòng học mới, tỷ lệ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn đạt 78%, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 62%.

Tuy nhiên, những đầu tư đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Năm học này, số lượng học sinh lớp Một ở Hà Nội khoảng 130.000 em, tăng 30.000 học sinh so với năm ngoái. Số lượng học sinh vào lớp 6 tăng khoảng 11.000 em. Số học sinh vào lớp 10 tăng trên 20.000 em.

Số học sinh tăng nhanh trong khi cơ sở vật chất có hạn đã khiến cho sỹ số lớp học được đẩy lên cao. Ở các quận Thanh Xuân, Hoàng Mai, Cầu Giấy, nhiều trường sỹ số lên đến trên 60 học sinh/lớp, gần gấp đôi so với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo dành cho bậc tiểu học là không quá 35 học sinh/lớp. Bàn học chỉ được thiết kế cho hai học sinh nhưng phải ghép ba em một bàn.

[Chuyện lạ ở Thủ đô: Học sinh nghỉ 2 buổi, giảm 8 tiết mỗi tuần]

Sỹ số cao nhưng vẫn không thể đủ lớp học, các trường phải tổ chức cho các lớp nghỉ học luân phiên trong tuần và học bù vào cuối tuần. Tại quận Hoàng Mai, Trường Tiểu học Chu Văn An, phường Hoàng Liệt, thậm chí còn phải nghỉ học luân phiên đến hai ngày mỗi tuần. Phường Hoàng Liệt có hai trường tiểu học công lập là Tiểu học Hoàng Liệt và Tiểu học Chu Văn An nhưng vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân khi có đến 78 tòa nhà chung cư. Năm học này, Trường Tiểu học Chu Văn An có 1.149 học sinh vào lớp Một và là trường có số lượng học sinh lớp Một đông nhất Thủ đô.

Tại phường Dịch Vọng chỉ có duy nhất một trường tiểu học công lập là Dịch Vọng B nhưng hiện phường này đã có khoảng 48 tòa chung cư cao tầng, đẩy sỹ số học sinh lên trên 60 em/lớp. “Cơ sở vật chất của trường không tăng trong khi các chung cư vẫn tiếp tục mọc lên. Đây là băn khoăn rất lớn của chúng tôi,” cô Nguyễn Huyền Châu, Phó hiệu trưởng trường Tiểu học Dịch Vọng B, chia sẻ.

Không chỉ khu vực nội đô mà cả vùng ngoại thành, cơ sở vật chất cũng là thách thức với các nhà trường. “Số học sinh lớp một năm nay tăng hơn nhiều so với năm trước. Đến phòng chức năng cũng phải chuyển đổi thành lớp học từ năm ngoái, chúng tôi rất lo lắng…” thầy Nguyễn Văn Thiệu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mã thượng B (Hoài Đức, Hà Nội) chia sẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An (Hoàng Mai, Hà Nội) trong ngày khai giảng. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)

Đề nghị được nâng tầng trường học

Theo ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội, thành phố đã giao cho Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Xây dựng kiến trúc, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tiến hành rà soát lại toàn bộ mạng lưới trường, lớp. Qua rà soát, thành phố đã có nhiều điều chỉnh để đáp ứng yêu cầu của người dân, nhất là khu vực mật độ dân số cao.

Tuy nhiên, kết quả rà soát cũng cho thấy, ở khu vực nội đô, quỹ đất xây dựng trường học thiếu, nên tỷ lệ học sinh được học trường công thấp hơn khu vực khác.

“Giải pháp trước mắt là tìm quỹ đất, thứ hai là kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Xây dựng cho phép Hà Nội có cơ chế đặc thù nâng tầng cho các trường. Tầng nâng được sử dụng cho giáo viên, các phòng chuyên môn của trường. Chúng tôi rất mong có cơ sở pháp lý để thực hiện trong thời gian tới,” ông Quý nói.

[Quy mô học sinh, sinh viên tăng hơn 1 triệu so với năm học trước]

Quy định về tiêu chuẩn xây dựng trường học với từng cấp học do Viện Kiến trúc, Quy hoạch Đô thị và Nông thôn biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn-Đo lường-Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố.

Theo đó, yêu cầu thiết kế, xây dựng trường học không nên lớn hơn 3 tầng với trường mầm non và tiểu học, không quá 4 tầng với trường trung học (gồm trung học cơ sở và trung học phổ thông). Trường hợp thiết kế trên số tầng quy định cần bảo đảm an toàn, thuận tiện cho thoát nạn khi có sự cố và phải được sự chấp thuận của cấp có thẩm quyền.

Trong khi Hà Nội vẫn loay hoay với bài toán thiếu cơ sở vật chất, thiếu quỹ đất xây trường, học sinh vẫn phải học luân phiên và chèn nhau ba em một bàn thì các chung cư, khu biệt thự vẫn đang tiếp tục mọc lên./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục