Ngày 30/8, nhà vận động môi trường trẻ tuổi người Thụy Điển Greta Thunberg đã cùng với hàng trăm thiếu niên Mỹ tập trung bên ngoài trụ sở Liên hợp quốc ở New York, kêu gọi các nước, các nhà lãnh đạo thế giới tăng cường các nỗ lực chung chống biến đổi khí hậu.
Hàng trăm người biểu tình trẻ tuổi, trong đó có những trẻ em chỉ khoảng 6 tuổi, đã tập trung bên ngoài trụ sở Liên hợp quốc hô vang các khẩu hiệu bảo vệ Trái Đất. Với nhiều người trong số này, đây là lần đầu tiên họ tham gia một cuộc biểu tình bảo vệ khí hậu.
Sự xuất hiện của Greta Thunberg đã truyền cảm hứng cho những thiếu niên trẻ tuổi sẵn sàng góp tiếng nói để bảo vệ hành tinh. Thunberg tham gia cuộc biểu tình ngay trước khi tới gặp Chủ tịch Đại Hội đồng Liên hợp quốc Maria Fernanda Espinosa.
Người phát ngôn của bà Espinosa cho biết trong cuộc gặp này, Thunberg đã hối thúc các nhà lãnh đạo, các quan chức Liên hợp quốc không nên dừng lại ở lời nói mà cần có hành động thực tế.
[Giới trẻ toàn thế giới bãi khóa yêu cầu chống biến đổi khí hậu]
Cô gái 16 tuổi người Thụy Điển đã trở thành biểu tượng của hành động vì môi trường toàn cầu khi khởi xướng phong trào "Fridays For Future" (Những ngày thứ Sáu vì tương lai) từ năm 2018.
Bị chẩn đoán mắc hội chứng rối loạn phát triển Asperger ở độ tuổi 12, bệnh tật đã không thể cản bước Thunberg thực hiện ý tưởng bảo vệ môi trường của mình. Từ tháng 8/2018, cô đã bắt đầu ngồi bên ngoài Quốc hội Thụy Điển để kêu gọi các nghị sỹ hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Nhờ sức mạnh của truyền thông, hành động của cô nhanh chóng thu hút sự chú ý và truyền cảm hứng tới các sinh viên trên toàn thế giới và phong trào "Fridays for future" được ra đời từ đó.
Trong những tháng gần đây, vào thứ Sáu mỗi tuần, hàng nghìn học sinh, sinh viên ở hơn 120 quốc gia trên thế giới lại xuống đường tuần hành, hô vang các khẩu hiệu kêu gọi bảo vệ hành tinh.
Các cuộc tuần hành của giới trẻ nhằm đánh động dư luận thế giới phải có hành động cấp thiết chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường toàn cầu. Đây là lần đầu tiên, giới trẻ trên toàn thế giới đồng loạt xuống đường để bảo vệ tương lai của mình.
Với những kiến thức tiếp thu được trong trường học, giới trẻ ngày nay hoàn toàn có lý do để lo ngại cho tương lai, vì đến năm 2050, chính họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của những thảm họa sinh thái không thể đảo ngược được nếu nhân loại không khẩn cấp có hành động ngay từ bây giờ./.