Thiếu lao động - rào cản sức cạnh tranh của Canada

Tình trạng thiếu lao động có tay nghề là một trong 10 rào cản đối với khả năng cạnh tranh của Canada, tuy nhiên đây là vấn đề nóng nhất.
Kỹ năng luôn là mối quan tâm số một và Canada hiện không có đủ lao động có tay nghề để bổ sung cho lực lượng lao động.

Quan ngại này của các quan chức Phòng Thương mại Canada (CCC) đã phản ánh tình trạng thiếu lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực đang là trở ngại lớn nhất đối với sức cạnh tranh của Canada trong nền kinh tế toàn cầu.

Theo báo cáo của CCC công bố trên mạng tin ipolitics.ca ngày 8/2 cho biết, tình trạng thiếu lao động có tay nghề chỉ là một trong 10 rào cản đối với khả năng cạnh tranh của Canada, tuy nhiên đây là vấn đề nóng nhất và thu hút nhiều sự chú ý trong năm 2012.

CCC xác định hai nguyên nhân thiếu hụt lao động có tay nghề đó là giáo dục phát triển kỹ năng ở trong nước còn yếu và sự hạn chế của người lao động nước ngoài nhập cư.

CCC cho rằng, giáo dục Canada không cung cấp đủ những cơ hội cần thiết cho người lao động và cần khuyến khích người dân tập trung nhiều hơn vào các ngành nghề cần tay nghề, trong đó có khoa học, kỹ thuật.

Giáo dục Canada cần trang bị kiến thức và phải nhận thức về những cơ hội sau khi tốt nghiệp cho các sinh viên.

Bên cạnh đó, những người nhập cư còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, học tập các kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong một nền kinh tế dựa trên tri thức.

Việc xóa bỏ khoảng cách trong tỷ lệ việc làm giữa người nhập cư và người gốc bản địa có thể sẽ bổ sung thêm 370.000 người vào lực lượng lao động Canada.

Để giải quyết vấn đề này, CCC đưa ra 9 giải pháp bao gồm hướng người Canada quay trở lại ổn định việc làm; cải thiện hệ thống thuế; loại bỏ rào cản nội bộ áp đặt các chi phí không cần thiết cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện việc điều chỉnh hiệu quả; có các biện pháp thu hút đầu tư quốc tế; khuyến khích nghiên cứu - phát triển và đưa ra ứng dụng trong thị trường; sử dụng công nghệ tăng cường sự cạnh tranh; hỗ trợ tài chính cần thiết cho các doanh nghiệp phát triển; và xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng trong thế kỷ XXI để theo kịp với nhu cầu của đất nước./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục