Thiếu ký túc xá công nhân: Rào cản để Ấn Độ thành trung tâm sản xuất toàn cầu

Kỳ vọng Ấn Độ sẽ nổi lên như một trung tâm sản xuất song song với Trung Quốc, nhiều tập đoàn đang xem xét liệu người lao động Ấn Độ có chấp nhận xa gia đình và sống trong các ký túc xá cho công nhân.
Công nhân làm việc tại một dây chuyền sản xuất điện thoại thông minh tại Tamil Nadu, Ấn Độ. (Ảnh: Bloomberg)

Sự hấp dẫn của Ấn Độ với vai trò là một trung tâm sản xuất bên ngoài Trung Quốc đối với những công ty như Apple có thể phụ thuộc vào cách nước này và các nhà đầu tư nước ngoài giải quyết vấn đề chỗ ở cho hàng chục nghìn công nhân.

Ở Trung Quốc, hàng trăm triệu lao động nhập cư đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước này trở thành “công xưởng của thế giới.”

Kỳ vọng Ấn Độ sẽ nổi lên như một trung tâm sản xuất song song với Trung Quốc, nhiều tập đoàn đang xem xét liệu lực lượng lao động tại Ấn Độ có sẵn sàng rời xa gia đình để đi làm và chấp nhận sống trong các ký túc xá dành cho công nhân.

Foxconn, nhà sản xuất iPhone lớn nhất của Apple, cho biết: “Khi chúng tôi bắt đầu sản xuất ở thành phố Thâm Quyến của Trung Quốc, tất cả công nhân đều đến từ vùng quê xa, vì vậy cần phải xây dựng chỗ ở cho họ ngay từ đầu.”

Ở Ấn Độ, mô hình chính cho đến nay là đưa người lao động từ nhà tới nhà máy bằng xe buýt đưa đón, nhưng khi doanh nghiệp mở rộng quy mô sản xuất thì mô hình này không còn bền vững.

Nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn ở thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc, lớn nhất thế giới, có thời điểm cao điểm tuyển dụng tới 300.000 người.

Nữ công nhân dùng bữa trưa tại nhà ăn thuộc nhà máy sản xuất điện thoại Foxconn ở Tamil Nadu, Ấn Độ. (Ảnh: Bloomberg)

Vấn đề chỗ ở cho người lao động đặc biệt cấp bách vì vai trò của phụ nữ trong ngành điện tử. Họ chiếm phần lớn lực lượng lao động trong lĩnh vực điện tử tại các trung tâm sản xuất như Trung Quốc và Việt Nam, nơi ký túc xá cho công nhân là vấn đề trọng tâm với các công ty, bên cạnh các vấn đề pháp lý như thuế quan thương mại và luật lao động.

Ấn Độ có ít phụ nữ làm việc tại nhà máy hơn hầu hết các nước châu Á khác vì các vấn đề an toàn khi đi lại và sự kỳ thị của xã hội đối với công việc của phụ nữ, khiến vấn đề chỗ ở cho công nhân trở nên đặc biệt cấp bách.

Khi Apple và Foxconn chuyển hoạt động sản xuất sang miền Nam Ấn Độ, các công ty và chính quyền địa phương đang lên kế hoạch xây dựng các ký túc xá với quy mô lên tới hàng chục nghìn giường ngủ.

Tại Tamil Nadu, trung tâm công nghiệp điện tử của Ấn Độ, nơi Foxconn có nhà máy chính lắp ráp iPhone cho Apple, chính quyền địa phương đang xây dựng nhiều khu nhà để làm nơi sinh hoạt cho khoảng 18.000 phụ nữ.

Foxconn dự kiến sẽ sử dụng toàn bộ các khu nhà ở công nhân này. Ngoài ra, tập đoàn này dự kiến sẽ hoàn thành việc xây dựng một ký túc xá khác ở Tamil Nadu trong những tháng tới, có thể chứa thêm 20.000 công nhân.

Vấn đề ký túc xá cho người lao động là một ưu tiên khi các tập đoàn nước ngoài dự định đầu tư vào Ấn Độ. (Ảnh: Bloomberg)

Tại Karnataka, nơi có thủ đô công nghệ thông tin Bengaluru của Ấn Độ, Foxconn đã động thổ một nhà máy khác. Chính quyền đã xây dựng dự thảo chính sách hỗ trợ xây dựng ký túc xá nhằm hướng tới mục tiêu đảm bảo “tạo việc làm liền mạch cho người dân” và giảm thời gian đi lại đến nhà máy làm việc.

Ở Telangana, một trong những bang thân thiện với doanh nghiệp nhất Ấn Độ, chính quyền địa phương cho phép các nhà đầu tư dành 20% diện tích đất nơi họ đang xây dựng nhà máy làm ký túc xá, giúp họ tiết kiệm chi phí mua thêm tài sản.

Kế hoạch xây dựng thêm ký túc xá công nhân của Foxconn ở Ấn Độ nêu bật việc mở rộng hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới và những rào cản tiềm ẩn còn ở phía trước. Tính đến tháng 6/2023, tổng số nhân viên của Foxconn ở Ấn Độ chỉ là 50.000 người, so với 700.000 đến 1 triệu công nhân ở Trung Quốc.

Hôm 11/12, Foxconn cho biết họ sẽ đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD để mở rộng thêm nhà máy ở Ấn Độ - phù hợp với tuyên bố của Chủ tịch Foxconn Young Liu tại một hội nghị đầu tư vào tháng 8 rằng công ty sẽ đầu tư “vài tỷ USD” vào Ấn Độ.

Tuy nhiên, một số chuyên gia kinh tế bày tỏ hoài nghi rằng Apple và nhà cung cấp chính của họ có thể mở rộng quy mô ở Ấn Độ, một phần vì thiếu ký túc xá dành cho người lao động và bảo vệ phụ nữ ở nơi làm việc.

Một giám đốc điều hành tại Pegatron, một doanh nghiệp sản xuất iPhone khác, cho biết: “Nói chung, người dân Ấn Độ muốn đi làm từ nhà và khi tan ca, họ sẽ về nhà và ăn tối với gia đình”./.

Tin cùng chuyên mục