Tại cảng Ardersier thuộc Đông Bắc Scotland, khu vực rộng 450ha từng là nơi xây dựng các giàn khoan dầu khí đang được chuyển đổi thành nhà máy điện gió trong tương lai.
Công ty Cổ phần Tư nhân Quantum Energy Partners có trụ sở tại Texas đã đầu tư vào địa điểm này sau khi nhận thấy cơ hội sinh lời tiềm năng của việc đáp ứng nhu cầu vận chuyển các tuabin gió để sản xuất năng lượng phục vụ quá trình chuyển đổi không phát thải của Vương quốc Anh.
Các nhà đầu tư như Quantum đang đặt cược vào sự thiếu hụt hạ tầng cảng phù hợp trên khắp Vương quốc Anh, vốn đang làm chậm nỗ lực của nước này chuyển hướng nền kinh tế sang các nguồn năng lượng xanh hơn.
Giám đốc điều hành Công ty Phát triển Cảng Haventus do Quantum thành lập, Lewis Gillies, cho biết tình trạng thiếu nghiêm trọng hạ tầng cảng thực sự cản trở quá trình phát triển điện gió ngoài khơi ở châu Âu.
Anh có kế hoạch thúc đẩy điện gió ngoài khơi trong nỗ lực đạt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, chậm hơn 5 năm so với mục tiêu của Scotland.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, Anh sẽ phải tăng gấp 4 lần công suất điện gió ngoài khơi lên 50GW vào năm 2030, theo các ước tính chính thức.
Tại Scotland, ScotWind - quy trình cho phép các nhà phát triển điện gió thuê quyền sử dụng đáy biển tại vùng biển Scotland để xây nhà máy điện gió - đặt mục tiêu cung cấp khoảng 28GW chỉ riêng cho phát triển điện gió ngoài khơi.
Các công ty như Shell, Scottish Power và SSE đã giành được hợp đồng thuê trong 10 năm.
Ông Gillies cho biết với công suất cảng hiện tại, sẽ phải mất ít nhất 50 năm để đạt được công suất 45GW đã được cấp phép cho vùng biển Scotland.
Các chuyên gia cảnh báo Anh đang tụt hậu so với các nước khác trong việc xây dựng hạ tầng cần thiết, một phần do các chủ sở hữu cảng lo ngại thua lỗ nếu không thể thu hút được các nhà phát triển hạ tầng.
Các chủ cảng, những người cần đưa ra quyết định dài hạn và đảm bảo nguồn vốn, cho biết việc chính phủ thiếu các mục tiêu rõ ràng sau năm 2030 có nguy cơ cản trở các nhà đầu tư bởi có thể mất hơn 10 năm từ khi lập kế hoạch đến khi hoàn thành dự án.
Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, Anh khó có thể kịp thời thu hẹp "khoảng cách đầu tư," trừ phi các công ty cảng chắc chắn về doanh thu dự kiến trong tương lai.
Ông Ralph Torr, phụ trách điện gió ngoài khơi tại ORE Catapult, một trung tâm nghiên cứu do chính phủ tài trợ, cho biết chính phủ có mục tiêu tham vọng về phát triển điện gió ngoài khơi, nhưng không có hướng dẫn chính sách cụ thể sau năm 2030.
Rủi ro đối với lĩnh vực này có thể thấy rõ vào tháng trước khi các nhà phát triển điện gió ngoài khơi không tham gia đấu thầu các hợp đồng trợ cấp của chính phủ trong vòng đấu giá cuối cùng cho các dự án năng lượng tái tạo bởi cho rằng giá quá thấp để bù đắp chi phí tăng cao.
Thách thức về cơ sở hạ tầng cảng đặc biệt nghiêm trọng đối với ngành điện gió ngoài khơi, vốn cần các tuabin và cơ sở hạ tầng lớn hơn.
[Na Uy khánh thành trang trại điện gió nổi lớn nhất thế giới]
Giám đốc điều hành Hiệp hội Cảng Vương quốc Anh, Richard Ballantyne, cho biết tiền đầu tư vào cảng không thiếu song các nhà đầu tư cần sự đảm bảo rằng các cảng này sẽ được sử dụng tối thiểu 15 năm.
Hồi tháng 4, đại diện của chính phủ về điện gió ngoài khơi lúc đó, Tim Pick, chỉ ra rào cản đầu tư do các cảng được tư nhân hóa của Anh đối mặt với rủi ro từ các mục tiêu ngắn hạn và tập trung vào thương mại nhiều hơn so với các đối thủ thuộc sở hữu nhà nước ở các nước châu Âu khác.
Ông cho biết các công ty phát triển cảng mong muốn hỗ trợ phát triển năng lượng gió ngoài khơi, song các công ty này đang chật vật huy động vốn để xây dựng hạ tầng liên quan trong khi doanh thu không chắc chắn.
Hiệp hội Năng lượng Tái tạo Renewable UK ước tính cần khoảng 4 tỷ bảng (4,8 tỷ USD) để nâng cấp 11 cảng quan trọng sẵn sàng phục vụ các nhà máy điện gió nổi ngoài khơi vào năm 2030.
Associated British Ports (ABP), công ty sở hữu 21 cảng ở Anh, đặt kế hoạch đầu tư 500 triệu bảng vào Port Talbot để phục vụ các trang trại điện gió ngoài khơi tiềm năng ở Biển Ireland.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành ABP, Henrik Pedersen, cho rằng cần sự chắc chắn về thị trường khi các địa điểm đặt dự án hiện vẫn đang được chính phủ đánh giá. Ông cảnh báo Anh có nguy cơ tụt hậu so các quốc gia khác, vốn đang phát triển với tốc độ thực sự nhanh.
Giám đốc điều hành cảng Aberdeen, Bob Sanguinetti, cho biết phải mất tới 11 năm kể từ khi quyết định đầu tư để hoàn thành bến cảng phía nam của Aberdeen với tổng vốn đầu tư 420 triệu bảng, vừa chính thức khai trương vào tháng trước.
Công suất của cảng đã tăng 20% và hiện có thể phục vụ các tàu lớn, gồm một số tàu lớn nhất. Tuy nhiên, ông Sanguinetti cho biết dự án lớn nhất là phát triển điện gió ngoài khơi với 2.000-3.000 tua-bin gió được xây dựng dọc theo bờ biển Scotland.
Ông Sanguinetti nhận định hiện nay Anh và vùng đông bắc Scotland không đủ khả năng hoàn thành mục tiêu này, cho rằng yếu tố quyết định phụ thuộc vào sự rõ ràng của chính phủ về chính sách cũng như các mốc thời gian thực hiện mục tiêu.
Bộ An ninh Năng lượng và Net Zero (phát thải ròng bằng 0) cho biết chính phủ đang đầu tư 160 triệu bảng để hỗ trợ hạ tầng cảng.
Chính phủ Scotland cũng cho biết đang phối hợp với các cảng ở khắp Scotland nhằm đảm bảo đưa ra ưu đãi tài chính và hỗ trợ phù hợp.
Tại cảng Ardersier đã khởi công xây dựng bến cảng mới cho tàu cập bến và nạo vét để xây cảng nước sâu lớn dành cho tàu chở thiết bị cần thiết cho các nhà phát triển năng lượng gió ngoài khơi.
Ông Gillies cho biết dự án sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm nếu có thể thu hút các nhà sản xuất xây dựng cơ sở tại Ardersier./.