Thiết lập tuyến đường xanh phục hồi ngành du lịch toàn cầu

Tỷ lệ tiêm chủng cao, hợp tác, chia sẻ dữ liệu và các giải pháp số đang giúp các nước từng bước khôi phục "ngành công nghiệp không khói" thông qua những "bong bóng du lịch," "hành lang xanh,"...
Thiết lập tuyến đường xanh phục hồi ngành du lịch toàn cầu ảnh 1Khách thăm quan đấu trường Colosseum ở Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Việc một số quốc gia trên thế giới mở cửa trở lại và chuẩn bị lộ trình đón khách du lịch có thể coi là dấu hiệu hồi sinh đáng khích lệ sau giai đoạn dài du lịch phải "đóng băng" do dịch COVID-19.

Tỷ lệ tiêm chủng cao, hợp tác, chia sẻ dữ liệu và các giải pháp số đang giúp các nước từng bước khôi phục "ngành công nghiệp không khói" thông qua những "bong bóng du lịch," "hành lang xanh," kết nối những "điểm đến xanh" an toàn.

Nhiều giải pháp từng bước khôi phục ngành du lịch

Việc tái khởi động ngành du lịch sẽ giúp "kích hoạt" quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của nhiều nước trong giai đoạn bình thường mới.

Châu Âu là một trong những khu vực sớm mở cửa du lịch. Các nước Liên minh châu Âu (EU) đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phục hồi ngành du lịch khu vực, trong đó việc ban hành chứng nhận vaccine "EU Digital COVID certificate" (EUDCC) giúp du khách có thể di chuyển dễ dàng hơn giữa các quốc gia thành viên.

Hầu hết các nước châu Âu mở du lịch quốc tế đều yêu cầu du khách xuất trình chứng nhận về việc đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính, hoặc đã bình phục sau khi mắc COVID-19. Đây được coi là yếu tố tiên quyết cho một chuyến du lịch nước ngoài trong giai đoạn bình thường mới.

Với chứng nhận trên, cùng nơi xuất phát không nằm trong danh sách hạn chế, người nước ngoài có thể nhập cảnh vào phần lớn các nước EU với mục đích du lịch mà không phải cách ly. Một số nước vẫn yêu cầu cách ly trong thời gian ngắn hoặc thêm một lần xét nghiệm tại nơi đến, tùy thuộc vào nơi du khách khởi hành.

Nhiều nước châu Âu đang vận hành một bản đồ linh hoạt với các mã màu, trong đó màu sắc thể hiện tình hình dịch bệnh mới nhất của từng quốc gia cùng các biện pháp hạn chế tương ứng. Màu sắc được cập nhật thường xuyên; du khách hoặc chính quyền chỉ cần đối chiếu vào bản đồ để đưa ra quyết định.

Những điểm đến hàng đầu châu Âu như Pháp, Tây Ban Nha, Italy, Cyprus, Thổ Nhĩ Kỳ, Iceland, Hy Lạp đều đã lần lượt mở cửa đón khách quốc tế.

Dữ liệu của ForwardKeys cho thấy Hy Lạp là nơi ngành du lịch phục hồi tốt nhất tại châu Âu, với lượng khách tháng Bảy và tháng Tám vừa qua đạt 86% so với cùng kỳ của năm 2019 (trước khi COVID-19 xuất hiện). Tiếp theo là Cyprus (64,5%), Thổ Nhĩ Kỳ (62,0%) và Iceland (61,8%).

Đứng đầu bảng thống kê mức độ phục hồi du lịch tại các thành phố du lịch châu Âu Hè 2021 là thành phố nghỉ dưỡng biển Palma Mallorca (Tây Ban Nha) đạt 71,5% so với năm 2019 và Athens (Hy Lạp) với 70,2%.

Tại châu Á, Trung Quốc đang được coi mô hình phục hồi ngành du lịch nội địa hiệu quả khi vẫn đóng với khách nước ngoài. Tính đến cuối tháng Tám vừa qua, tỷ lệ lấp phòng khách sạn và lượng hành khách bay nội địa đã tăng trở lại, đạt 90% con số cùng kỳ năm 2019. Ngành vận chuyển hành khách bằng đường sắt cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ.

Kể từ tháng Năm, tất cả các loại hình du lịch nội địa - bao gồm cả các chuyến du lịch ngắn ngày tại chỗ, quãng đường ngắn và quãng đường dài trong nội địa, đã phục hồi đáng kể.

Người dân bắt buộc phải sử dụng một ứng dụng trên điện thoại và quét mã QR để lưu lại hành trình của mình, điều sẽ giúp công tác truy vết sau này nếu phát hiện ca nhiễm mới.

Thiết lập tuyến đường xanh phục hồi ngành du lịch toàn cầu ảnh 2Khách du lịch tới đảo Langkawi, Malaysia, ngày 16/9. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Malaysia cho phép người dân có thể đi xuyên bang, đồng thời mở cửa trở lại các khu danh thắng, đảo và địa điểm du lịch khi 90% người dân từ 18 tuổi trở lên hoàn thành tiêm chủng ngừa COVID-19. Hiện Malaysia mới thực hiện thí điểm “bong bóng du lịch” ở đảo Langkawi thuộc bang Kedah.

Từ ngày 16/9, Langkawi đã mở cửa đón du khách nội địa là những người đã hoàn thành tiêm chủng và ghi nhận thành công bước đầu khi có tới 9.500 du khách tới đây ngay trong ngày đầu mở cửa.

Bộ Du lịch, Nghệ thuật và Văn hóa Malaysia (MOTAC) đặt mục tiêu đón 30.000 khách du lịch tới Langkawi trong tháng Chín và tới cuối năm 2021 đón tổng cộng khoảng 200.000 du khách.

Dù xác định du lịch nội địa là “điểm tựa," nhưng nhiều quốc gia châu Á cũng đang thí điểm hộ chiếu vaccine và mở ra cơ hội du lịch cho khách quốc tế.

[Các nước Đông Nam Á từng bước nỗ lực hồi sinh ngành du lịch]

Tại Thái Lan, các phần mềm được phát triển để nhập cảnh thuận tiện, nhà chức trách dễ dàng truy vết và cập nhật thông tin nhanh chóng tới du khách.

Một biện pháp nữa là tăng cường tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho cư dân ở những điểm du lịch để biến nơi đây thành các địa điểm xanh an toàn. Để mở cửa du lịch tại đảo Phuket vào tháng Bảy vừa qua, nhà chức trách đã tăng tốc chiến dịch tiêm chủng để bao phủ 70% dân số trên hòn đảo vào cuối tháng Sáu.

Theo Bộ Du lịch và Thể thao Thái Lan, thông qua chương trình “hộp cát Phuket," từ ngày 1/7 đến ngày 31/8, đã có 26.400 du khách nước ngoài đến Phuket, mang lại 1,6 tỷ baht thu nhập liên quan đến du lịch, bao gồm lưu trú, dịch vụ, ăn uống và dịch vụ y tế.

Giới chức Thái Lan khẳng định việc mở cửa trở lại thủ đô Bangkok và Chiang Mai, cũng như các bãi biển Pattaya, Cha-Am và Hua Hin sẽ được mô phỏng theo sáng kiến “hộp cát Phuket” (du khách quốc tế không phải cách ly và sau 14 ngày trên đảo Phuket với 3 lần xét nghiệm tự trả phí được tham quan khắp Thái Lan, với điều kiện đã được tiêm đầy đủ vaccine và đến từ các nước có nguy cơ dịch tễ thấp hoặc trung bình).

Tại Singapore, với hơn 80% dân số được tiêm phòng đầy đủ, giữa tháng Chín, “quốc đảo Sư tử” đã chính thức nối lại hoạt động du lịch quốc tế, khi chuyến bay chở 100 hành khách từ Đức hạ cánh xuống sân bay Changgi. Chuyến bay này là khởi đầu của chương trình “Vaccinated Travel Lane” (Hành lang du lịch tiêm chủng), thí điểm với Đức và Brunei sau đó sẽ mở rộng ra các quốc gia khác.

Indonesia đã triển khai thiết lập các “vùng xanh” hay “hành lang không COVID-19” tại các điểm du lịch như đảo Bintan, Batam thuộc tỉnh Quần đảo Riau, và đảo Bali sau khi hoàn thành tiêm vaccine cho ít nhất 70% người dân.

Sau nhiều lần trì hoãn, Indonesia dự kiến mở cửa đón du khách nước ngoài đến đảo Bali và một số địa điểm du lịch khác trong nước từ tháng 10 tới. Trước mắt, nước này đang xem xét chấp nhận du khách nước ngoài đến từ một số nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore và New Zealand.

Thiết lập tuyến đường xanh phục hồi ngành du lịch toàn cầu ảnh 3Khách nội địa và quốc tế tới tham quan một điểm du lịch ở Badung, Bali. (Ảnh: Reuters)

Philippines đã cho phép du khách từ 10 quốc gia gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Sri Lanka, Nepal, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Oman, Thái Lan, Malaysia và Indonesia được nhập cảnh vào quốc gia này, với 14 ngày cách ly y tế để kiểm dịch. Bộ Du lịch Philippines cũng đề xuất sáng kiến về một "hành lang xanh" để khôi phục du lịch quốc tế trong sự an toàn.

Việt Nam cũng sẽ thí điểm đón khách quốc tế đến đảo Phú Quốc trong thời gian tới và đây sẽ là khởi đầu cho việc mở cửa trở lại ngành du lịch và hàng không Việt Nam. Việc thí điểm này sẽ được thực hiện trong sáu tháng. Nếu ba tháng đón khách thí điểm đạt chất lượng tốt, Phú Quốc tiếp tục đón khách thêm ba tháng.

Trong ba tháng cuối của chương trình thí điểm, mỗi tháng Phú Quốc dự kiến đón 5.000-10.000 khách quốc tế. Nhiều địa phương ở Việt Nam cũng bắt đầu khởi động các tour du lịch nội địa tại các điểm đến an toàn.

Bên cạnh đó, tại phiên họp Ủy ban Kinh tế của Đại hội đồng Liên nghị viện các quốc gia Đông Nam Á lần thứ 42 (AIPA-42), vừa qua, Việt Nam đã kiến nghị xây dựng cơ chế “bong bóng du lịch," thiết lập “hành lang xanh," tạo ra các tuyến đường đặc biệt đến các điểm du lịch tại các quốc gia thành viên trong bối cảnh đại dịch. Việt Nam cũng đề nghị nghị viện các nước ủng hộ Tầm nhìn Du lịch ASEAN đến năm 2025 hướng tới du lịch trách nhiệm và bền vững; thúc đẩy phục hồi xanh và đa dạng văn hóa trong du lịch.

Những khó khăn khi mở cửa du lịch

Tuy nhiên, việc mở cửa du lịch trong bối cảnh đại dịch cũng gặp không ít khó khăn. Chỉ 10 ngày sau khi mở cửa du lịch từ ngày 1/7, đảo Phuket đã phát hiện một số ca mắc biến thể Delta, buộc nhà chức trách phải áp dụng các biện pháp chống dịch và đóng cửa trường học để ngăn chặn virus lây lan bởi học sinh là nhóm chưa được tiêm chủng.

Trước đó, Sri Lanka đã mở cửa cho du khách nước ngoài (kể cả không tiêm phòng) và không yêu cầu cách ly, hậu quả là Sri Lanka hiện trải qua làn sóng COVID-19 thứ ba với tốc độ lây lan khủng khiếp.

Tương tự với Israel, hồi tháng Năm năm nay, Israel đã cho phép các nhóm du khách nhỏ nhập cảnh. Hơn 2.000 du khách đã tới, chủ yếu từ Mỹ và châu Âu, làm dấy lên hy vọng hồi phục ngành công nghiệp này sau nhiều tháng trời tê liệt.

Nhưng đến tháng Tám, sáng kiến này phải dừng lại vì biến chủng Delta lây lan quá mạnh, khiến số ca mắc cũng tăng trở lại ở Israel, dù nước này dẫn đầu thế giới về tốc độ tiêm chủng.

Từ ngày 19/9 vừa qua, Israel đã đón lại khách quốc tế đi theo nhóm từ 5 đến 30 người để thử nghiệm tái khởi động du lịch. Điều đó cho thấy việc phục hồi du lịch trong bối cảnh đại dịch cần một lộ trình thận trọng, từng bước và có kiểm soát, tùy thuộc vào diễn biến dịch và tốc độ tiêm chủng.

Du lịch lâu nay đã đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế của nhiều quốc gia và là động lực tăng nguồn thu nhập đối với nhiều nước đang phát triển.

Thiết lập tuyến đường xanh phục hồi ngành du lịch toàn cầu ảnh 4Du khách tham quan Cầu Brooklyn ở thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trước khi đại dịch COVID-19 nổ ra, lượng khách quốc tế năm 2019 là hơn 1,4 tỷ lượt và du lịch đóng góp gần 9.000 tỷ USD vào tổng GDP toàn cầu. Tuy nhiên, dịch bệnh đã khiến lượng khách du lịch năm 2020 giảm khoảng 60-80%, ngành du lịch thế giới đã thiệt hại khoảng 3,3 nghìn tỷ USD (tương đương 4,2% tổng GDP toàn cầu).

Trong năm nay, theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu khoảng 2.400 tỷ USD, trong đó phần lớn là ở các nước đang phát triển. Để tránh thiệt hại kéo dài hơn nữa, UNWTO đang kêu gọi sự hợp tác mạnh mẽ giữa các quốc gia về các nguyên tắc đi lại nhằm bảo đảm quá trình tái khởi động du lịch toàn cầu diễn ra suôn sẻ.

Theo Tổng thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili, việc thúc đẩy tiêm chủng để bảo vệ cộng đồng, hỗ trợ khởi động lại du lịch một cách an toàn có ý nghĩa đặc biệt quan trọng giúp phục hồi việc làm và tạo ra các nguồn lực cần thiết, đặc biệt là ở các quốc gia vốn phụ thuộc nhiều vào du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang lây lan, đặc biệt khi các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vẫn liên tục xuất hiện, các chuyên gia nhận định bất kỳ kế hoạch khôi phục du lịch nào cũng cần bảo đảm yếu tố an toàn với những bước đi thận trọng.

Nói cách khác, ngành du lịch chỉ có thể hồi phục bền vững khi thiết lập được các tuyến đường du lịch xanh, điểm đến an toàn, tất cả những người đi du lịch đều phải được tiêm phòng và được kiểm soát chặt chẽ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục