Thiết lập hệ thống giám sát đường bay của chim di cư tại Việt Nam

Theo Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 17/5/2022, các bộ, ngành cần thiết lập hệ thống giám sát đường bay quan trọng của các loài chim di cư; xử lý nghiêm hành vi săn bắt, kinh doanh chim hoang dã.
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Trước tình trạng săn bắt, tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư đã và đang diễn ra tại nhiều địa phương, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị số 4/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam.  

Theo nội dung Chỉ thị trên, Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực quan trọng bậc nhất trong mạng lưới các tuyến đường bay chim di cư quan trọng toàn cầu, qua đó đã tạo nên các giá trị thiên nhiên quan trọng, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch và xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam. 

Thế nhưng, thời gian gần đây, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, di cư đang diễn ra nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Những hoạt động trên không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học (một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư đến Việt Nam), mà còn tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật; ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học, Hiệp định về Đối tác Đường bay chim nước di cư tuyến Úc - Đông Á mà Việt Nam là thành viên…

[Giải cứu chim trời Cát Bà - Bảo vệ Khu dự trữ sinh quyển thế giới]

Vì thế, để bảo tồn những loài hoang dã, di cư; ngăn chặn, chấm dứt tình trạng săn, bắt tận diệt, phá hủy sinh cảnh của các loài chim hoang dã, di cư, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, đề xuất hoàn thiện, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các quy định về bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư; hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động quản lý, bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư, bao gồm bảo vệ các sinh cảnh, tuyến di cư xuyên biên giới.

Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các quốc gia, tổ chức quốc tế liên quan tăng cường bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư và đường bay xuyên biên giới, điểm dừng chân của chim hoang dã, di cư; phối hợp với các tổ chức quốc tế thiết lập hệ thống theo dõi, giám sát các đường bay quan trọng của chim hoang dã, di cư.

Mặt khác, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo lực lượng kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, nhất là vào mùa chim di cư.

Thiết lập hệ thống giám sát đường bay của chim di cư tại Việt Nam ảnh 1Xử nghiêm hành các vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, kinh doanh chim hoang dã, di cư. (Nguồn: Hùng Võ/Vietnam+)

Đặc biệt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường giam sát, kịp thời phát hiện các bệnh, dịch có nguồn gốc từ chim hoang dã, di cư có nguy cơ lây lan, ảnh hưởng tới sức khỏe con người, gia súc, gia cầm.

[Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm soát nạn tận diệt các loài chim di cư]

Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Công an chỉ đạo lực lượng cảnh sát môi trường tăng cường các biện pháp đấu tranh, phòng chống và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư; chỉ đạo các lực lượng chức năng triệt phá các đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loài chim hoang dã, di cư xuyên quốc gia.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn có liên quan tăng cường công tác quản lý; kiểm tra, xử lý các hình thức quảng cáo, kinh doanh trực tuyến trái phép... 

Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cấp chính quyền tại địa phương, cơ quan thực thi pháp luật tăng cường công tác kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, bẫy, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; tổ chức triệt phá dứt điểm các khu chợ, tụ điểm buôn bán các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật trên địa bàn.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục