Lập hành lang pháp lý

Thiết lập hành lang pháp lý cho thương mại điện tử

Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử nhằm lập hành lang pháp lý minh bạch, lành mạnh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 52/2013/NĐ-CP quy định cụ thể về công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử nhằm thiết lập một hành lang pháp lý minh bạch, lành mạnh cho các giao dịch điện tử góp phần xây dựng một tập quán thương mại hiện đại ở Việt Nam.

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Công nghệ Thông tin, Bộ Công Thương.

- Thưa ông, vừa rồi có xảy ra một số vụ lừa đảo qua hình thức thương mại điện tử gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của người dân. Nghị định 52/2013/NĐ-CP được ban hành trong thời điểm này có tác động như thế nào tới việc quản lý các giao dịch thương mại điện tử?

- Ông Trần Hữu Linh: Trong vài năm gần đây, hạ tầng Internet phát triển mạnh mẽ nên nhiều doanh nghiệp quan tâm đến lĩnh vực thương mại điện tử đã triển khai, phát triển sâu rộng loại hình giao dịch thương mại này. Hiện nay, người tiêu dùng và doanh nghiệp hết sức quan tâm về hành lang pháp lý cho hoạt động này. Vì thế, việc Chính phủ ban hành Nghị định 52 quy định về việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động thương mại điện tử trong thời điểm này là hết sức cần thiết. Việc hoàn thiện hành lang pháp lý là yếu tố quan trọng để thương mại điện tử phát triển lâu dài và bền vững và là công cụ hỗ trợ cho cơ quan quản lý của Nhà nước giám sát, kiểm tra, xây dựng kế hoạch để phát triển lĩnh vực thương mại điện tử.

Nghị định 52 quy định cụ thể ba cấp độ quản lý đối với hoạt động thương mại điện tử: các thương nhân, tổ chức, cá nhân khi thiết lập website thương mại điện tử bán hàng phải làm thủ tục thông báo với cơ quan quản lý nhà nước; các doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ thương mại điện tử hoặc tổ chức đánh giá website thương mại điện tử đều phải tiến hành đăng ký; các tổ chức đánh giá và chứng nhận chính sách bảo vệ thông tin cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử phải xin cấp phép trước khi hoạt động.

- Xin ông cho biết đối tượng điều chỉnh cũng như những điểm nổi bật của Nghị định mới là gì?

- Ông Trần Hữu Linh: Điểm nổi bật của Nghị định 52 là quy định rõ đối tượng, phạm vi áp dụng, các hình thức và cách thức hoạt động của thương mại điện tử. Bên cạnh đó, sẽ có cổng thông tin công khai những đối tượng tham gia thương mại điện tử để giám sát, quản lý và công khai các thông tin về những doanh nghiệp tham gia trong lĩnh vực thương mại điện tử. Có như vậy, bất kỳ người nào vào Internet cũng có thể biết được chủ thể thực hiện nghị định đã đúng luật pháp hay chưa.

Ngoài ra, Nghị định 52 cũng quy định chi tiết về thông tin dữ liệu trong thương mại, những vấn đề an toàn liên quan đến thanh toán và bảo vệ thông tin cá nhân. Riêng đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử phải tuân thủ triệt để những quy định trong Nghị định 52. Qua đó những thông tin về chủ thể tham gia sẽ được công khai tạo điều kiện cho việc giám sát của các cơ quan liên quan được tốt hơn và đưa ra những quy định rõ hơn về chính sách để phát triển thương mại điện tử.

- Vậy theo ông, Nghị định 52 có những công cụ gì để tạo niềm tin cho những người tham gia thương mại điện tử?

- Ông Trần Hữu Linh:
Bộ Công Thương đã có những chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại điện tử. Cụ thể, khi tham gia thương mại điện tử, các doanh nghiệp phải làm thủ tục đăng ký trực tuyến về website bán hàng tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử do Bộ Công Thương chủ trì tại địa chỉ www.online.gov.vn. Cổng thông tin này sẽ công bố công khai danh sách các website đã thực hiện đầy đủ các thủ tục thông báo, đăng ký và các website vi phạm quy định pháp luật.

Ngoài ra, người tiêu dùng khi tham gia giao dịch thương mại điện tử cũng có thể cảnh báo cho cơ quan quản lý nhà nước về những website thương mại điện tử có dấu hiệu vi phạm trên cổng thông tin trực tuyến nhằm phát hiện kịp thời những yếu tố sai phạm trong hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, từ đó cơ quan nhà nước sẽ có những biện pháp xử lý kịp thời.

Điều 4, Chương I của Nghị định 52 cũng quy định các hành vi bị cấm trong hoạt động thương mại điện tử như: hành vi lừa đảo khách hàng trên website thương mại điện tử; giả mạo thông tin của thương nhân, tổ chức, cá nhân khác để tham gia hoạt động thương mại điện tử; can thiệp vào hệ điều hành và trình duyệt Internet tại các thiết bị điện tử truy cập vào website nhằm buộc khách hàng lưu lại website trái với ý muốn của mình.

- Vậy Bộ Công Thương có những định hướng triển khai như thế nào để Nghị định sớm đi vào cuộc sống, thưa ông?

- Ông Trần Hữu Linh:
Vấn đề quan trọng hàng đầu là tuyên truyền và phổ biến sâu rộng cho đối tượng thụ hưởng, tránh tình trạng văn bản được ban hành nhưng đối tượng thụ hưởng không biết. Vì vậy, ngay từ khi Nghị định 52 được ban hành, Bộ Công Thương đã làm công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng cho nhiều đối tượng và tổ chức nhiều hội nghị phổ biến nghị định 52 cho những đối tượng là doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức để hiểu về nghị định này.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng tổ chức đào tạo những cán bộ quản lý lĩnh vực thương mại điện tử tại các địa phương để các địa phương có thể phối hợp với nhau nâng cao hiệu quả do đối tượng thụ hưởng của Nghị định này tương đối rộng, từ cá nhân, thương nhân... Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện kiểm tra, giám sát cần phải tổ chức và phối hợp nhịp nhàng và yêu cầu chủ thể phải thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ các yêu cầu của Nghị định 52./.

- Xin cảm ơn ông!

Việt Trung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục