Thiết kế mẫu đoàn tàu đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội có gì đặc biệt?

Đoàn tàu của dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội được tư vấn Pháp (Systra) thiết kế hướng đến tính thẩm mỹ cao mà vẫn đảm bảo sự thân thiện với môi trường đô thị.
Thiết kế mẫu đoàn tàu với các màu chủ đạo là xanh lá mạ, đỏ hồng và ghi xám. (Ảnh: MRB cung cấp)

Đoàn tàu của dự án tuyến đường sắt đô thị Hà Nội số 3, đoạn Nhổn-Ga Hà Nội được tư vấn Pháp (Systra) thiết kế hướng đến tính thẩm mỹ cao mà vẫn đảm bảo sự thân thiện với môi trường đô thị.

Để phục vụ cho việc vận hành trước đoạn trên cao từ Nhổn-Cầu Giấy vào năm 2020, căn cứ theo hợp đồng đã dược ký, 10 đoàn tàu với thiết kế model mới nhất theo tiêu chuẩn châu Âu, sử dụng vật liệu hợp kim nhôm sẽ được chế tạo tại Pháp.

Cấu hình mỗi đoàn tàu gồm 4 toa (2 toa động cơ có cabin cho lái tàu, 1 toa động cơ và 1 toa kéo) được thiết kế và thi công do nhà sản xuất Alstom Transport SA (Pháp). Đoàn tàu sẽ có khả năng chuyên chở 850-950 người, với mật độ khoảng từ 6-8 người/m2 và khai thác với tốc độ thương mại 35km/giờ, tốc độ thiết kế 80km/giờ.

Tàu được thiết kế theo công nghệ mới nhất, tiêu chuẩn châu Âu và quốc tế, trang bị đầy đủ các tiện nghi hiện đại như hệ thống điều hòa không khí, thông gió; hệ thống loa, camera trong tàu và phía trước tàu, màn hình LCD bên sườn toa tàu và cạnh cửa ra vào phục vụ cho thông tin tuyến và quảng cáo thương mại; hệ thống chiếu sáng bằng đèn LED, tự động điều chỉnh độ sáng đối với đoạn trên cao và đoạn đi ngầm.

Đoàn tàu này được thiết kế theo âm hưởng của kiến trúc Pháp, với thiết kế thanh lịch của những cây cột chống, dầm bê tông hình chữ U và các xà mũ hình parabol thanh mảnh được thi công lần đầu tiên ở Việt Nam.

Thiết kế nội, ngoại thất tàu được các kiến trúc sư nghiên cứu kỹ lưỡng, phối hợp và cân bằng giữa phong cách thiết kế Pháp với sự am hiểu về văn hóa Việt Nam cũng như những yêu cầu về khí động học của phương tiện giao thông đô thị.

Hình dáng đoàn tàu sẽ là một điểm nhấn về hình ảnh của thủ đô Hà Nội, vừa thể hiện vẻ đẹp hiện đại, năng động, vừa cho thấy bản sắc văn hóa Thủ đô ngàn năm văn hiến và dân tộc Việt Nam, khiến người dân và khách du lịch rất dễ nhận ra từ xa, mang lại nét hiện đại, lịch sự và thân thiện với môi trường cho khu phía Tây thành phố Hà Nội.

Theo lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội, ý tưởng chung của thiết kế được lấy cảm hứng từ các gam màu thân thiện với thiên nhiên, kết hợp các gam màu xanh lá của cây và màu đỏ hồng của quả thanh long đại diện cho nông sản Việt Nam. Đặc biệt, các gam màu này được hài hòa bởi màu ghi xám, tạo cảm giác nhẹ nhàng, dễ chịu cho thị giác nhưng vẫn nổi bật.

Bên ngoài tàu có thiết kế dọc theo chiều dài tàu, tạo cảm giác chuyển động năng động và liên tục của một phương tiện giao thông hiện đại.

Thiết kế nội thất là sự kết hợp hài hòa về màu sắc tạo cảm giác dễ chịu và thoáng đãng. (Ảnh: MRB cung cấp)

Phía trong tàu sử dụng màu trắng và xanh lá mạ làm chủ đạo, màu đỏ hồng lại làm điểm nhấn giúp tạo cảm giác dễ chịu cho người dùng, lại khiến không gian bên trong tàu mang lại cảm giác rộng rãi, thoáng và sâu, tạo cảm giác cho hành khách có thể thoải mái di chuyển qua lại giữa các toa.

Ngoài ra, với màu sắc đơn giản, không pha trộn nhiều sẽ đảm bảo quá trình duy tu bảo dưỡng đơn giản và ít tốn kém hơn, mang lại lợi ích kinh tế lâu dài cho dự án.

Không chỉ nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng về tính thẩm mỹ, tính năng cũng là một yếu tố quan trọng được dự án và nhà sản xuất tính đến. Trên các toa tàu có không gian dành cho xe lăn của người khuyết tật (được ký hiệu đặc biệt trên sàn) và ghế ngồi dành riêng cho người cao tuổi, phụ nữ có thai và trẻ em.

Khu vực dành riêng cho người khuyết tật. (Ảnh: MRB cung cấp)

Theo nhận định của ông Julien Barjou, Giám đốc Kỹ thuật dự án của Alstom, quy chuẩn của các tay cầm trên tàu được thiết kế riêng cho người Việt Nam, dựa theo nghiên cứu về nhân khẩu học, chiều cao, hình dáng.

“Thiết kế này là đại diện đầy đủ của một dự án giao thông đô thị triển khai đặc biệt cho người Việt Nam nói chung và người dân thủ đô nói riêng, vừa thể hiện sự năng động, vừa gần với tự nhiên và mang bản sắc văn hóa Việt Nam,” ông Julien Barjou chia sẻ.

Việc thiết kế và sản xuất tàu và cung cấp hệ thống đoàn tàu được thực hiện bởi Liên danh nhà thầu UJV gồm Alstom Transport SA-Colas Rail SA-Thales Communication & Security SAS. Hiện, liên danh nhà thầu UJV đang đệ trình phương án thiết kế cho chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội xin ý kiến các cấp có thẩm quyền để phê duyệt.

Tuyến đường sắt đô thị Hà Nội , đoạn Nhổn-Ga Hà Nội là một phần trong hệ thống giao thông công cộng tích hợp cho 6 quận của Hà Nội, gồm 12 nhà ga với 8 ga trên cao và 4 ga ngầm. Tổng chiều dài của tuyến là 12,5km, đường ray đôi trải dài từ Nhổn-vùng ngoại ô phía Tây thủ đô đến ga Hà Nội trên đường Trần Hưng Đạo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục