Thiệt hại nặng sau bão số 3, Thái Bình kêu gọi giải cứu vùng chuối Hồng An

Chính quyền địa phương đang phát động chương trình giải cứu chuối vùng chuyên canh xã Hồng An bị tàn phá nặng nề do bão số 3, nhằm giúp bà con giảm bớt thiệt hại, nhanh chóng khôi phục sản xuất.

Công an huyện Hưng Hà (Thái Bình) hỗ trợ mua chuối xanh để giảm bớt thiệt hại cho người dân. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)
Công an huyện Hưng Hà (Thái Bình) hỗ trợ mua chuối xanh để giảm bớt thiệt hại cho người dân. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Do ảnh hưởng của bão số 3, sản xuất nông nghiệp của Thái Bình bị thiệt hại lớn. Đặc biệt, tại vùng chuyên canh vùng bãi xã Hồng An (huyện Hưng Hà), một trong những địa phương có diện tích trồng chuối nhiều nhất tỉnh Thái Bình, bão số 3 đi qua, khiến nhiều diện tích chuối bị đổ rạp, không thể phục hồi.

Để giúp nông dân khắc phục hậu quả sau bão, chính quyền địa phương đang phát động chương trình giải cứu, giúp bà con giảm bớt thiệt hại về kinh tế, nhanh chóng khôi phục lại sản xuất.

Nhiều diện tích canh tác mất trắng

10 năm canh tác chuối tây và chuối tiêu hồng, chưa năm nào gia đình anh Trần Hữu Hưng, thôn Việt Thắng, xã Hồng An (huyện Hưng Hà) lại thiệt hại nặng nề như năm nay.

Với diện tích 50 mẫu ở vùng ngoài bãi đê, anh Hưng hiện là nông dân tích tụ ruộng đất nhiều nhất của xã. Chất lượng tốt, sản phẩm đồng đều, mẫu mã đẹp, năm 2024, sản phẩm chuối của gia đình anh Hưng được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, cung cấp cho các siêu thị trong, ngoài tỉnh và xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Nhưng chỉ một ngày sau khi cơn bão số 3 càn quét, tất cả diện tích chuối của gia đình anh Hưng đã đổ rạp, không thể khôi phục. Công sức chăm sóc 3 vạn cây và vốn đầu tư gần một năm qua của gia đình anh coi như mất trắng.

ttxvn thai_binh_giai_cuu_nong_san_cho_nong_dan_sau_bao2_resize.jpg
Bão số 3 đổ bộ làm khoảng 7.500 tấn chuối sắp đến kỳ thu hoạch của xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình bị ảnh hưởng. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Nhìn cả cánh đồng chuối sắp đến kỳ thu hoạch đổ rạp, anh Hưng buồn rầu chia sẻ, qua các phương tiện thông tin tuyên truyền anh đã được cảnh báo về cơn bão số 3 có cường độ rất mạnh.

Mặc dù đã chủ động các biện pháp chằng chống nhưng cánh đồng lại ngoài đê, sức gió quá lớn nên tất cả diện tích chuối cho thu hoạch sớm của gia đình anh Hưng đã thiệt hại hoàn toàn.

Nếu thuận lợi, dự tính với diện tích 50 mẫu chuối được bán với giá trung bình 50.000 đồng/buồng, anh Hưng sẽ thu về khoảng 4 tỷ đồng. Nhưng cơn bão số 3 càn quét đã khiến gia đình anh thiệt hại nặng nề.

Mong mỏi lớn nhất lúc này là sớm tiêu thụ được chút nào hay chút đó, giúp giảm bớt khó khăn để gia đình có thể sớm thu dọn, cải tạo cánh đồng, chờ sản xuất vụ sau.

Cũng tham gia canh tác ở cánh đồng ngoài bãi như anh Trần Hữu Hưng, anh Lê Gia Hưng, thôn Bắc Sơn, xã Hồng An chia sẻ gia đình anh có 10 mẫu chuối với 8.000 cây đều bị đổ rạp.

Cải tạo, thu dọn cánh đồng, tái sản xuất mất khoảng 1 tháng, sau đó sẽ trồng lại và đến năm sau mới cho thu hoạch. Như vậy, gia đình anh sẽ không có chuối kịp phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán.

Xã Hồng An hiện có khoảng 250ha trồng chuối, trong đó có 141ha ngoài bãi đê. Cơn bão số 3 đổ bộ đã khiến hầu hết diện tích chuối canh tác ngoài bãi bị hư hỏng, ước tính sơ bộ có khoảng 7.500 tấn chuối sắp đến kỳ thu hoạch bị ảnh hưởng.

Chung tay giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân

Bí thư Huyện ủy Hưng Hà Trần Hữu Nam cho biết cơn bão số 3 càn quét ảnh hưởng nhiều đến sản xuất nông nghiệp của huyện, trong đó riêng diện tích trồng chuối bị gãy đổ là trên 380ha, tập trung ở xã Hồng An.

Để góp phần giảm thiểu thiệt hại cho nông dân, cấp ủy, chính quyền huyện Hưng Hà đã phát động, kêu gọi các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và nhân dân chung tay giải cứu nông sản giúp nông dân, đặc biệt ở xã Hồng An, địa phương có diện tích canh tác chuối nhiều nhất huyện.

ttxvn thai_binh_giai_cuu_nong_san_cho_nong_dan_sau_bao3_resize.jpg
Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đăng ký mua chuối xanh để giảm bớt thiệt hại cho người dân. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Việc vận chuyển được sự trợ giúp từ lực lượng công an hoặc vận động tài trợ, tránh tình trạng tăng giá làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp của công tác giải cứu.

Ngay khi phát động, nhiều tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cán bộ, đảng viên, nhân dân địa phương đã nhiệt tình hưởng ứng, chung tay tháo gỡ khó khăn, giảm bớt thiệt hại cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Duy Hoan, Bí thư Đảng ủy xã Hồng An cho biết dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hưng Hà, ngay trong sáng 9/9 xã đã tổ chức họp với nông dân và thống nhất về giá.

Trong đó thống nhất chuối loại 1 (trọng lượng 20-30kg/buồng) có giá 70.000 đồng/buồng; chuối loại 2 (từ 20kg/buồng trở xuống) có giá 50.000 đồng/buồng.

Tính đến chiều 9/9, địa phương đã tiếp nhận hàng trăm đơn hàng của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn huyện ủng hộ với trên 125 tấn chuối được tiêu thụ. Trong các ngày tới chính quyền xã tiếp tục huy động lực lượng giúp bà con thu hoạch và làm đầu mối liên hệ tiêu thụ giúp nông dân.

ttxvn thai_binh_giai_cuu_nong_san_cho_nong_dan_sau_bao4_resize.jpg
Nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đăng ký mua chuối xanh giúp giảm bớt thiệt hại cho người dân. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Với tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ khẩn trương, ngay sau khi chương trình giải cứu được phát động, nhiều lực lượng như thanh niên, Công an đã chung tay giúp người dân thu hoạch, vận chuyển đến điểm tập kết, kịp thời tiêu thụ, giúp giảm thiệt hại về kinh tế cũng như đẩy nhanh tiến độ cải tạo, khôi phục lại diện tích sản xuất bị thiệt hại.

Thượng úy Nguyễn Chung Kiên, Phó trưởng Công an xã Hồng An cho biết để kịp thời hỗ trợ người dân địa phương khắc phục hậu quả của cơn bão số 3, đặc biệt là hưởng ứng chương trình giải cứu chuối giúp nông dân, Công an xã đã huy động 100% lực lượng và lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở đến các hộ dân hỗ trợ giải cứu các diện tích chuối bị ảnh hưởng.

Ông Hoàng Văn Tạo, quyền Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hồng An cho biết chính quyền địa phương đang huy động bà con khẩn trương thu hoạch, thu dọn vệ sinh đồng ruộng, cải tạo đất, mua giống mới để trồng lại diện tích đã hỏng.

Với nhu cầu nguồn giống lớn để tái sản xuất, xã đang nghiên cứu, xây dựng phương án kêu gọi các doanh nghiệp, con em xa quê thành đạt hỗ trợ kinh phí mua giống mới giúp người dân, sớm bù vào giá trị sản xuất. Đồng thời, xã vận động nhân dân đẩy nhanh chăm sóc những cây còn lại và trồng xen canh để bù đắp những thiệt hại trong cơn bão số 3 vừa qua.

Theo thống kê của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Bình, toàn tỉnh có hơn 1.300ha cây ăn quả và chuối… bị ảnh hưởng bởi bão số 3, gây thiệt hại lớn cho nông dân.

Hành động giải cứu nông sản không chỉ giúp người nông dân giảm bớt khó khăn mà còn có ý nghĩa tinh thần to lớn. Đó là những hình ảnh đẹp sau cơn bão dữ, góp phần phát huy truyền thống tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau của nhân dân ta trong lúc khó khăn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục