Sau gần một năm thực hiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình GPS (còn gọi là hộp đen) đối với tất cả xe kinh doanh vận tải hành khách trên tuyến cố định có cự ly từ 500km trở lên, xe kinh doanh vận chuyển khách du lịch, xe ôtô kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container, theo báo cáo của các địa phương, hầu hết các đơn vị kinh doanh vận tải thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị đã thực hiện xong.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) đánh giá, một số lượng lớn đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện lắp đặt hộp đen mang tính chất đối phó với cơ quan quản lý do không thực hiện duy trì hoạt động của thiết bị, không tổ chức theo dõi tình hình phương tiện và lái xe thông qua thiết bị...
Gần 90% đơn vị lắp đặt đối phó
Theo báo cáo của Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải), đến nay, cả nước đã có 41.594 xe lắp đặt thiết bị hộp đen (chiếm 94%) số xe trong diện phải lắp.
Báo cáo tại kết quả kiểm tra của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải tại 49 đơn vị kinh doanh vận tải, 11 bến xe trên địa bàn các tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Hải Phòng, Đà Nẵng và Nghệ An cho thấy, hầu hết thiết bị hộp đen không đáp ứng được các yêu cầu như theo dõi phương tiện, lái xe, trích xuất không đủ thông tin theo quy định.
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải, hơn 87% (43/49) đơn vị chưa thực hiện quản lý, khai thác thông tin từ thiết bị, tức là lắp đặt hoàn toàn để đối phó với cơ quan chức năng.
Chứng minh cho điều này, kết quả kiểm tra hoạt động vận tải của 11 đơn vị hoạt động vận tải trên địa bàn Hà Nội cho thấy, hầu hết các xe đều được lắp thiết bị hộp đen nhưng không theo dõi, trích xuất được thông tin về lái xe theo quy định.
[Sẽ thanh tra thiết bị hộp đen lắp trên các xe ôtô]
[Xử phạt xe không "chính chủ", hộp đen "lỗi" từ 1/7]
Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu tư Vinamotor lắp đặt 67/67 thiết bị hộp đen trên phương tiện nhưng không theo dõi, trích xuất được thông tin về lái xe; thiết bị hộp đen của 6 nhà cung cấp không theo dõi, trích xuất được thông tin theo quy định đồng thời có những đơn vị không cung cấp được mật khẩu, tài khoản của thiết bị đã lắp đặt trên xe.
Theo ông Nguyễn Xuân Ba, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đà Nẵng cho rằng, hiện nay việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình mới đặt ra cho có chứ chưa có quy chuẩn.
“Ban đầu chỉ có khoảng 6 nhà cung cấp nhưng đến nay đã có 52 đơn vị, trong khi đó đơn vị nào cũng chạy theo lợi nhuận mà không quan tâm đến chất lượng nên đây là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải,” ông Ba nhận định.
Đồng tình quan điểm đó, ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng thừa nhận, sau hơn 1 năm triển khai lắp đặt, thiết bị hộp đen đã bộc lộ nhiều hạn chế, nhiều doanh nghiệp lắp đặt đối phó là chủ yếu. Đặc biệt, nhiều chủ xe chỉ lắp để xe trót lọt qua đăng kiểm, kiểm định khi đến chu kỳ.
“Trên thị trường có quá nhiều đơn vị sản xuất, cung cấp thiết bị. Cần loại bỏ bớt những nhà cung cấp thiết bị giám sát hành trình không tốt đồng thời, loại bớt “cò” trung gian (các đại lý bán hàng) để nâng cao chất lượng lắp đặt thiết bị giám sát hành trình,” ông Thanh bày tỏ quan điểm.
Ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục đường bộ Việt Nam nhìn nhận, qua kiểm tra theo dõi thấy rằng, chỉ một số ít đơn vị chú trọng duy trì hoạt động của thiết bị và sử dụng dữ liệu để phục vụ hoạt động quản lý, điều hành; một số lượng lớn đơn vị kinh doanh vận tải lắp đặt mang tính chất đối phó với cơ quan quản lý.
“Ở nước ta, số lượng lớn các doanh nghiệp nhỏ, xe ít, hợp tác xã có từ 5-7 xe chiếm tỷ lệ lớn, hình thức quản lý chủ yếu khoán doanh thu nên khai thác không tập trung. Các đơn vị này nhận thức chưa đầy đủ về yêu cầu của Nhà nước về lắp hộp đen để phục vụ kinh doanh vận tải,” ông Quyền khẳng định.
Chưa tích hợp, quản lý được dữ liệu
Đánh giá về công tác lắp đặt hộp đen trong thời gian qua, ông Quyền cũng thừa nhận, cơ quan quản lý Nhà nước thời gian qua cũng chỉ chú trọng tới việc chỉ đạo các đơn vị vận tải lắp đặt thiết bị theo đúng lộ trình. Hầu hết, các Sở Giao thông Vận tải và Tổng cục Đường bộ chưa thể sử dụng dữ liệu để phục vụ công tác quản lý Nhà nước.
Lý giải rõ hơn điều này, ông Quyền phân tích, hiện nay, mỗi nhà cung cấp sử dụng riêng phần mềm của mình và các phần mềm này không tương thích, đồng bộ với nhau đã dẫn đến việc theo dõi, cập nhật, tổng hợp, phân tích dữ liệu gặp rất nhiều khó khăn.
“Mặt khác, cũng chưa có quy định về phân công, phân cấp giao trách nhiệm cụ thể cho cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương và Trung ương trong việc xây dựng phần mềm quản lý, tiếp nhận, tổng hợp, phân tích dữ liệu từ thiết bị hộp đen; sử dụng các dữ liệu này để phục vụ cho công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan,” ông Quyền chỉ rõ bất cập.
Bên cạnh đó, hiện tại, các doanh nghiệp vận tải đều tính đến việc thuê đơn vị sản xuất hộp đen theo dõi, giám sát phương tiện do không có đủ vốn để đầu tư máy chủ và bản đồ số.
Theo ông Đào Thanh Anh, Giám đốc Công ty Điện Tử Bình Anh, đơn vị sản xuất thiết bị hộp đen đầu tiên được cấp giấy chứng nhận hợp quy của Bộ Giao thông Vận tải, đa số các doanh nghiệp lắp thiết bị này đều chọn phương án thuê dịch vụ máy chủ để đỡ tốn kém và dễ quản lý.
Cụ thể, mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp một tài khoản và mật khẩu riêng để có thể trực tiếp theo dõi, giám sát phương tiện với thuê bao 150.000 đồng/xe.
“Mô hình này chính là giải pháp phù hợp với mọi doanh nghiệp, dù là doanh nghiệp có 1 hay 1.000 xe, bởi vậy, các doanh nghiệp vận tải vừa và nhỏ đã không còn phải lo lắng,” ông Thành Anh bật mí.
Chỉ ra thực tế kinh nghiệm quản lý hộp đen từ Đà Nẵng, ông Ba cho hay, các doanh nghiệp vận tải phải cung cấp mật khẩu để kiểm soát hoạt động của xe khách sau khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Hiện, Sở Giao thông Vận tải chỉ cần ngồi ở văn phòng kiểm tra, xe nào không có mật mã thì buộc doanh nghiệp phải cung cấp.
Ngoài ra, theo ông Quyền, vấn đề quản lý, kết nối và cung cấp thông tin hộp đen chưa có sự kết hợp chặt chẽ giữa đơn vị sản xuất và nhà mạng. Vì vậy, cần có sự bắt tay của doanh nghiệp theo dõi thiết bị với nhà mạng để hình thành một trung tâm dữ liệu chung.
“Trung tâm thông tin sẽ cung cấp thông tin liên quan đến quản lý bến xe như thế nào, chất lượng dịch vụ ra sao? thông tin ghi nhận đến đâu? quản lý những vi phạm đối với người lái xe? tuyến vận tải chạy bao nhiêu xe? chạy đúng không?” ông Quyền đưa đặt ra các tiêu chí cần thiết của hệ thống cơ sở dữ liệu chung.
Để có thể sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe phục vụ công tác quản lý vận tải hiệu quả, góp phần nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thiểu tai nạn giao thông, Tổng cục Đường bộ đã trình Bộ Giao thông Vận tải Thông tư Quy định về tích hợp, quản lý và sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của xe ôtô./.
Việt Hùng (Vietnam+)