Tối 8/3, tại niệm phật đường Vĩnh Nghiêm ở Praha, sư thầy Thích Thiện Trí, Giáo thọ sư Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc, đã chủ trì cuộc thiền trà bàn về vai trò của người mẹ, người vợ trong việc lưu truyền văn hóa dân tộc. Đây là hoạt động thường niên của hội nhân Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3.
Tại cuộc thiền trà, sư thầy Thích Thiện Trí khẳng định đạo Phật ngay từ khi mới hình thành trong bối cảnh của xã hội Ấn Độ cổ đại có tư tưởng trọng nam khinh nữ khắc nghiệt đã thể hiện sự tôn trọng phụ nữ, chủ trương bình đẳng giai cấp, bình đẳng giới.
Nhìn từ góc độ khác, phụ nữ cũng có vai trò quan trọng đối với đạo Phật trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển của tôn giáo này.
Trong xã hội Việt Nam phong kiến, mái đình là nơi thể hiện quyền lực của nam giới, còn ngôi chùa lại là nơi lấy lại vị thế của người phụ nữ, tạo nên nét bình đẳng trong sinh hoạt cộng đồng ở làng xã.
[Ấn tượng đêm thơ-nhạc tại Séc tôn vinh phụ nữ và áo dài Việt]
Trong cộng đồng người Việt ở Séc, phụ nữ chiếm tỷ lệ áp đảo và giữ vai trò chính trong việc hình thành và phát triển Hội Phật tử. Hội Phụ nữ và Hội Phật tử Việt Nam tại Cộng hòa Séc là hai thành viên tập thể có số lượng hội viên đông đảo nhất và hoạt động tích cực nhất của Hội Người Việt Nam. Phần lớn hội viên Hội Phật tử cũng là hội viên Hội Phụ nữ. Nhờ có sự đóng góp to lớn của phụ nữ mà Hội Phật tử tại Cộng hòa Séc sau 11 năm thành lập đã có 13 chi hội địa phương và 3.000 hội viên nòng cốt.
Phụ nữ Việt ở Séc dù là trong vai trò của phật tử tại năm ngôi chùa và tám niệm phật đường hay trong vị thế người vợ, người mẹ tại hàng chục nghìn gia đình đều là người gìn giữ, lưu truyền văn hóa dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Điều này thể hiện qua việc dạy cho con cháu tiếng Việt, ý thức hiếu nghĩa, phong tục tập quán của cha ông, cách thức cúng giỗ, lễ chùa cho đến việc tham gia các sự kiện lớn mà Hội Phật tử trung ương và các chi hội địa phương đều tổ chức là Thượng Nguyên, Phật Đản, Vu Lan./.