Thiên thạch nhỏ va chạm với kính viễn vọng không gian James Webb

Theo thông báo của NASA, một thiên thạch nhỏ đã va vào kính thiên văn trị giá 10 tỷ USD vào cuối tháng Năm vừa qua và gây ảnh hưởng nhưng không đáng kể đối với dữ liệu của kính thiên văn.
Kính viễn vọng Không gian James Webb. (Nguồn: space.com)

Ngày 8/6, Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) cho biết một thiên thạch nhỏ đã va vào kính viễn vọng không gian James Webb, làm một trong những tấm gương của kính bị lệch tầm ngắm song may mắn không ảnh hưởng tới lịch trình hay hoạt động của kính thiên văn này.

Theo thông báo của NASA, thiên thạch nhỏ này đã va vào kính thiên văn trị giá 10 tỷ USD vào cuối tháng Năm vừa qua và gây ảnh hưởng nhưng không đáng kể đối với dữ liệu của kính thiên văn.

NASA cho biết đây là vụ va chạm lớn nhất và là vụ va chạm thứ 5 đối với James Webb kể từ khi kính thiên văn này được phóng lên vũ trụ vào tháng 12/2021.

[Kính viễn vọng không gian James Webb đã tới quỹ đạo mong muốn]

Thông báo nêu rõ: "Sau những đánh giá ban đầu, đội ngũ nghiên cứu nhận thấy kính thiên văn vẫn đang hoạt động ở mức vượt mọi yêu cầu của nhiệm vụ. Các phép đo và phân tích kỹ lưỡng đang được tiến hành."

Hiện, các kỹ sư đã bắt đầu điều chỉnh lại phần gương bị va chạm để khắc phục ảnh hưởng. Đồng thời, NASA cũng triệu tập một nhóm kỹ sư để nghiên cứu cách tránh những vụ va chạm tương tự trong tương lai.

Tháng Một năm nay, kính thiên văn James Webb đã tới đích đến cuối cùng sau gần 1 tháng kể từ khi được phóng vào vũ trụ. Đích đến này cách Trái Đất khoảng 1,6 triệu km.

Dự kiến James Webb sẽ gửi về những ảnh màu đầu tiên của vũ trụ trong tháng Bảy tới.

James Webb là thế hệ sau của kính thiên văn huyền thoại Hubble và là một siêu kính viễn vọng có kích thước và độ phức tạp chưa từng thấy.

Phần gương của James Webb có đường kính đến 6,5m, gấp 3 lần so với Hubble, được tạo thành từ 18 mảnh gương lục giác.

James Webb hoạt động trong quỹ đạo quay quanh Mặt Trời cách Trái Đất 1,5 triệu km, xa hơn nhiều so với kính viễn vọng Hubble chỉ hoạt động trên quỹ đạo của Trái Đất ở độ cao khoảng 610km kể từ năm 1990.

Giới khoa học kỳ vọng James Webb sẽ giúp giải đáp các câu hỏi cơ bản về vũ trụ, quay ngược thời gian 13,5 tỷ năm trước. Kính thiên văn mới này cũng sẽ cung cấp thông tin mới về gần 5.000 hành tinh nằm ngoài Hệ Mặt Trời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục