Thiên thạch khiến loài khủng long tuyệt chủng

Các nhà khoa học đã đi đến kết luận rằng, một thiên thạch rơi xuống Trái Đất là nguyên nhân gây tuyệt chủng của loài khủng long.
Các nhà khoa học đã đi đến kết luận cuối cùng rằng một thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái Đất là nguyên nhân gây nên sự tuyệt chủng của loài khủng long 65 triệu năm trước đây.

Các nhà khoa học cũng đồng thời bác bỏ giả thuyết cho rằng những đợt phun trào cực mạnh của núi lửa kéo dài suốt 1,5 triệu năm đã làm loài động vật khổng lồ này biến mất.

Một nhóm 41 nhà khoa học các chuyên ngành như khảo cổ, hóa địa chất, vật lý địa chất, mô hình hóa khí hậu đến từ châu Âu, Canada, Mexico, Mỹ và Nhật Bản đã tổng kết dữ liệu họ thu thập được trong suốt 20 năm qua và đã đưa ra kết luận trên trong tạp chí quốc tế "Science" số ra ngày 5/3.

Dấu vết một vụ rơi thiên thạch khổng lồ đường kính 15km được phát hiện trên lãnh thổ Mexico, có niên đại trùng với thời gian xảy ra sự kiện kinh hoàng đã chấm dứt 160 triệu năm thống trị của loài khủng long trên Trái Đất.

Cùng thời gian này trên vùng đất ngày nay là cao nguyên Decan của Ấn Độ cũng xảy ra những đợt phun trào không ngừng của núi lửa. Cả vụ rơi thiên thạch lẫn các đợt phun trào của núi lửa đều có thể che lấp ánh sáng Mặt Trời, làm nhiệt độ trên Trái Đất lạnh đi và dẫn đến sự hủy diệt của nhiều loài sinh vật.

Giới khoa học cho biết nghiên cứu các trầm tích cổ xưa dưới lòng đất cho thấy sự hủy diệt của động thực vật cuối Kỷ Phấn Trắng 65,5 triệu năm trước mang tính tức thời và không kéo dài, điều đó chứng tỏ nguyên nhân gây ra thảm họa này là thiên thạch chứ không phải núi lửa. Bởi núi lửa đã phun trào trước khi khủng long tuyệt chủng cả nửa triệu năm mà không gây ảnh hưởng đáng kể nào tới hệ động thực vật trên Trái Đất.

Theo các nhà khoa học, thiên thạch khổng lồ rơi xuống Trái Đất đã gây ra các đám cháy khổng lồ, các trận động đất hơn 10 độ Richter, những vụ trượt lục địa và các trận sóng thần. Năng lượng của vụ va chạm này lớn gấp hàng tỷ lần năng lượng vụ nổ bom nguyên tử ném xuống Hiroshima của Nhật Bản.

Mô hình hóa các quá trình khí quyển cho thấy sự rơi của thiên thạch làm bắn vào khí quyển lượng lưu huỳnh, tro bụi nhiều hơn nhiều so với núi lửa phun trào, điều đó đã gây ra một mùa Đông dài khác thường và hủy diệt khoảng một nửa loài sinh vật trên Trái Đất.

Sự kiện kinh hoàng này đã mở đường cho một thời kỳ mới, thời kỳ thống trị của động vật có vú trên hành tinh, trong đó có con người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục