Theo tạp chí Nikkei Asia Review ngày 6/6, các nhà phát triển du lịch tại Phú Quốc dự định sẽ biến viên ngọc này thành một quần thể du lịch lớn.
Nhiều người ngày càng kỳ vọng Phú Quốc, nơi sản xuất nước mắm hàng đầu của Việt Nam từ bao lâu nay, sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch. Tuy nhiên, trước tiên, muốn điều đó trở thành hiện thực phải vượt qua nhiều chướng ngại vật, đặc biệt là những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19.
Theo bài viết, mọi thứ bắt đầu thay đổi ở hòn đảo “bị ngủ quên” và chỉ được biết đến với sản phẩm nước mắm từ năm 2013, khi chính phủ Việt Nam coi Phú Quốc như một đặc khu kinh tế.
Phú Quốc (Kiên Giang) được mệnh danh là "Đảo ngọc” - điểm đến có sức hấp dẫn đặc biệt đối với rất nhiều du khách, được định vị rõ nét trên bản đồ du lịch không chỉ của Việt Nam mà cả thế giới.
Với diện tích 589,27km2, Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam với đường bờ biển trải dài, nhiều bãi biển cát trắng mịn và những ngọn núi, cánh rừng nguyên sinh… tạo nên cho đảo bức tranh “sơn thủy hữu tình” không nơi nào có được.
[Phú Quốc - từ địa ngục trần gian đến thành phố biển đảo đầu tiên]
Huyện đảo này có hệ sinh thái biển đảo vô cùng phong phú với đường bờ biển bao quanh đảo, có nhiều bãi biển đẹp, hoang sơ như bãi Giếng, bãi Khem, bãi Sao, bãi Vòng, bãi Thơm, bãi Dinh Cậu…
Đây là những bãi tắm lý tưởng có bờ cát vàng trải dài với nước biển trong xanh, êm đềm, cùng nhiều loài tảo biển mang màu sắc hấp dẫn.
Bên cạnh đó, vùng biển Phú Quốc ấm, là môi trường thuận lợi cho các loài hải sản sinh sôi, phát triển nên sản vật biển của Phú Quốc rất phong phú; trong vùng biển quanh đảo Phú Quốc có nhiều rạn san hô.
Đặc biệt đây cũng là một trong hai vùng biển ở Việt Nam hiện còn tồn tại loài bò biển (Dugon) thu hút được sự quan tâm đặc biệt của khách du lịch và các nhà khoa học.
Không chỉ có hệ sinh thái biển đảo, hệ sinh thái núi rừng nguyên sinh ở Phú Quốc gồm nhiều dãy núi; hệ thực vật, động vật phong phú và đa dạng, trong đó có nhiều loài quý hiếm có tên trong sách Đỏ.
Rừng Phú Quốc có nhiều loại gỗ quý như sao đen, dầu rái, kim giao, cẩm lai, nhiều loài dược liệu; trong đó rừng nguyên sinh Phú Quốc còn có cây dó bầu bên trong có lõi trầm hương rất quý.
Ngoài hệ sinh thái tự nhiên, hệ sinh thái nông nghiệp ở Phú Quốc với loại cây trồng chủ yếu là hồ tiêu, dừa, điều cũng là một dạng tài nguyên du lịch tự nhiên đặc biệt, được nhiều doanh nghiệp lữ hành đưa vào khai thác trong các hành trình tour.
Theo Nikkei Assia Review, không giống như các nước láng giềng Thái Lan và Indonesia, những hòn đảo nghỉ dưỡng của Việt Nam chưa bao giờ được biết đến.
Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Tiến, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Phú Quốc, đã bày tỏ những ý định để hòn đảo này có thể cạnh tranh với các khu nghỉ dưỡng Phuket của Thái Lan và Bali của Indonesia.
Năm 2019, trước khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc), số lượng du khách đến Phú Quốc tăng 27% so với năm trước, lên 5,1 triệu người. Năm 2021, hòn đảo này dự kiến sẽ chào đón 3 triệu du khách đến nghỉ dưỡng, hầu hết đều là khách nội địa.
Tuy nhiên, theo Nikkei, các nhà phát triển du lịch trên đảo Phú Quốc còn có rất nhiều việc phải làm nếu họ muốn cạnh tranh với các khu nghỉ dưỡng lâu đời ở Đông Nam Á.
Theo các chuyên gia du lịch, Phú Quốc cần phải có các nỗ lực quảng bá thực tế với sự hợp tác của các hãng hàng không, công ty du lịch và kinh doanh nhu cầu giải trí khác.
Tháng 4 vừa qua, Vingroup đã khai trương siêu quần thể giải trí, nghỉ dưỡng Grand World - thành phố không ngủ trên quần đảo Phú Quốc, mang đến cho các du khách những trò vui chơi giải trí hoạt động cả ngày lẫn đêm trong suốt cả năm.
Tập đoàn Sun Group, một trong những công ty bất động sản hàng đầu Việt Nam, đã hoàn thành tuyến đường tàu điện vượt biển dài nhất thế giới, một công viên giải trí và các tiện ích khác.
Nhiều dự án khác cũng đang được tiến hành. Cho đến nay, tổng các khoản đầu tư của các công ty liên quan đến du lịch đổ vào Phú Quốc đã lên tới 16 tỷ USD./.