Khi tiếng trống trường vang lên, cậu bé Việt Anh, học sinh lớp 5 một trường tiểu học ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, hớt hải chạy về phía cổng trường, nơi có bố đợi sẵn.
Bố sẽ đưa Việt Anh đi ăn nhẹ và điểm đến tiếp theo sẽ là... lớp học thêm.
Những cậu bé tiểu học thường xin bố mẹ đón muộn để nán lại chơi đùa cùng các bạn sau giờ học ở trường nhưng Việt Anh thì không như vậy.
Đặt mục tiêu vào trường trung học cơ sở top đầu của Hà Nội nên việc đi ôn luyện tại các lớp học thêm là điều bắt buộc để em đạt được ước mơ của mình.
Trong tuần, em sẽ có hai buổi học tiếng Anh, 1 buổi học tiếng Việt và 2 buổi ôn Toán. Để có thể làm tốt 15 câu Toán trong đề thi 45 phút, mẹ Việt Anh tìm cho em hai lớp Toán, trong đó có 1 lớp cách nhà em 12 cây số.
"Ngôi trường mục tiêu" của Việt Anh tổ chức tuyển sinh vào cuối tháng Sáu nên trước đó bố mẹ em đã đăng ký cho em thi hầu hết các cuộc thi tuyển sinh vào lớp 6 của các trường chất lượng cao với tâm lý "thi để thử sức" và "đã mất công ôn thì thi luôn."
Vậy nên, bắt đầu từ tháng Hai, Việt Anh cứ miệt mài thi hết cuộc thi này đến cuộc thi khác. Trong khi các bạn được nghỉ Hè từ giữa tháng Năm nhưng em tận cuối tháng Sáu mới được nghỉ ngơi.
Việt Anh chỉ là một trong số hàng nghìn học sinh lớp 5 phải ôn luyện với cường độ như vậy để thi vào các trường chất lượng cao cũng như các trường tư có tiếng của Hà Nội.
Dù đến ngày 1/7 mới là thời điểm tuyển sinh đầu cấp ở Hà Nội, nhưng việc chọn trường, chọn lớp ở bậc trung học cơ sở cho con của các gia đình đã trở thành "chủ đề nóng" trong suốt nhiều tháng qua.
Để con có thể thi vào lớp 6 một trường trung học cơ sở chất lượng cao, nhiều phụ huynh không ngần ngại bỏ công sức, thời gian, tiền bạc để đồng hành và ôn luyện cùng con.
"Sức nóng" từ các trường
Là một trong những trường đưa ra thông báo tuyển sinh sớm nhất, ngay từ khi năm học 2022-2023 vừa mới bắt đầu, Trường Liên cấp Ngôi Sao Hà Nội đã khởi động chương trình tuyển sinh cấp trung học cơ sở cho năm học 2023-2024.
Trong thông báo, nhà trường cho hay nhà trường mong muốn đây sẽ là khoảng thời gian hợp lý để các bậc phụ huynh và các con học sinh chuẩn bị tâm thế tốt nhất cho một cấp học có nhiều sự thay đổi.
Ngoài những học sinh được xét tuyển thẳng nhờ các giải thưởng trong năm học, trường còn xét tuyển theo hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận bằng bài kiểm tra 3 môn Toán, Tiếng Việt và Tiếng Anh với tên gọi "Kỳ thi học bổng Ngôi sao Hà Nội."
[4 bước để đăng ký tuyển sinh trực tuyến vào mầm non, lớp 1, 6 ở Hà Nội]
Muộn hơn Trường Liên cấp Ngôi Sao Hà Nội một chút, Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Lương Thế Vinh đã đưa ra thông báo sẽ tuyển 560 học sinh chia đều 2 cơ sở. Phương thức tuyển sinh lớp 6 là xét tuyển bằng bài đánh giá năng lực và kết quả học tập 5 năm tiểu học.
Dù chỉ tuyển 560 học sinh cho cả hai cơ sở nhưng nhà trường nhận được hơn 5.000 hồ sơ dự tuyển.
Nhưng những con số này vẫn chưa "nóng" bằng kỳ thi "1 chọi 24" để vào lớp 6 Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành.
Theo Ban tuyển sinh của Trường Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông Nguyễn Tất Thành, năm nay số lượng đăng ký dự thi vào lớp 6 của trường tăng hơn 2.000 thí sinh so với năm 2022: năm 2022 có 3.764 thí sinh, năm nay có 5.970 thí sinh.
Với chỉ tiêu tuyển 250 học sinh vào lớp 6, năm nay một học sinh dự thi sẽ "đọ sức" với gần 24 bạn khác để giành suất vào trường.
Để dự tuyển vào trường, thí sinh vừa tốt nghiệp tiểu học đã phải trải qua 3 bài kiểm tra đánh giá năng lực trong buổi sáng gồm: toán (45 phút), tiếng Việt (45 phút), tiếng Anh (30 phút). Hình thức kiểm tra là trắc nghiệm kết hợp với tự luận.
Được theo học tại Trường Trung học Phổ thông chuyên Hà Nội-Amsterdam luôn là ước mơ của nhiều học sinh, vì vậy để có được phiếu dự thi lớp 6 của trường, học sinh phải nỗ lực ngay từ khi học lớp 1.
Năm nay, để có phiếu dự thi vào trường, học sinh phải có điểm sơ tuyển tối thiểu đạt 167/170 điểm học bạ 5 năm tiểu học (xét các môn theo quy định) và các môn học của từng năm phải từ “hoàn thành tốt” trở lên.
Sau đó, các em phải tham dự kỳ thi đánh giá năng lực (vòng 2) với 3 bài thi bắt buộc: Tiếng Việt, Tiếng Anh và Toán. Đề thi ra theo hình thức kết hợp giữa trắc nghiệm và tự luận với thời gian làm bài là 45 phút/bài.
Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023-2024, toàn thành phố có 188.429 học sinh sẽ vào lớp 6, tăng 38.519 em so với năm học trước. So số học sinh lớp 6 vào trường với học sinh lớp 9 ra trường, các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố sẽ tăng thêm 59.158 học sinh.
Không luyện thi sẽ... không thi được
Trên mạng xã hội xuất hiện nhiều diễn đàn, nhóm đồng hành cùng phụ huynh có con muốn thi vào các trường chuyên, trường chất lượng cao, tư thục nổi tiếng.
Trong các nhóm đó, các thầy cô giáo, các phụ huynh thường chia sẻ các bộ đề thi và thông tin tuyển sinh.
Ngoài ra, một thông tin không thể thiếu trong các nhóm đó là các lớp học thêm để luyện thi.
"Mình có cháu năm nay học lớp 3 Tiểu học Đoàn Thị Điểm. Mình muốn cho cháu ôn luyện thi vào lớp 6 trường Hà Nội-Amsterdam. Các bác có kinh nghiệm tư vấn và cho địa chỉ học thêm giúp mình nhé," một người viết trên nhóm.
Bài đăng nhận được cả trăm bình luận với nội dung chính là chia sẻ địa chỉ của các lớp học thêm theo như đúng nguyện vọng của người hỏi.
Thành viên trong nhóm là giáo viên, phụ huynh có con vào lớp 6 năm nay và cả những phụ huynh con đã thi từ những năm trước đó.
Đa phần mọi người đều có một nhận định chung rằng: nếu không luyện thi, con sẽ khó có thể đỗ trường mong muốn.
Thông thường công cuộc luyện thi sẽ bắt đầu từ năm lớp 4 hoặc thậm chí có phụ huynh cho con ôn thi từ năm lớp 1.
Chị Đ.A.N (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: "Là phụ huynh đã có con học cấp hai và trải qua các cuộc thi tuyển sinh của các trường như Archimedes, Nguyễn Tất Thành, tôi thấy để đỗ vào các trường chất lượng cao đòi hỏi các con phải ôn luyện cật lực từ 1-2 năm trước. Đến lúc bước vào cuộc thi, các con làm bài như kiểu đã quá quen thuộc các dạng bài của trường đó, thậm chí nhiều bạn ôn luyện đúng giáo viên của trường nên dạng đề thi thật rất sát với bài các con đã được ôn luyện."
Tại sao một đứa trẻ 11 tuổi lại phải chịu áp lực như vậy?
Chia sẻ về việc cuộc đua vào lớp 6 quá nóng, thầy giáo Nguyễn Thế Vận, giáo viên dạy Toán tại Hà Nội, cho rằng hiện tại "cuộc chiến vào đại học" đã hạ nhiệt một phần nhưng cuộc đua vào lớp 10 và lớp 6 vẫn khốc liệt và dự kiến là cuộc chiến vào lớp 6 sẽ ngày càng nóng hơn. Nguyên nhân đầu tiên là tâm lý của người Á Đông thích thành tích và xếp hạng cao trong học tập."
Thầy Vận nhận định việc thiếu trường công tốt cũng chưa phải là nguyên nhân chính. Thầy giải thích rằng ngay cả khi đủ các trường công thì các trường "chất lượng cao" vẫn chỉ là số ít và phụ huynh vẫn tha thiết muốn con học ở đó.
"Bản thân các trường và các trung tâm cũng góp phần đẩy cuộc đua này nóng hơn bởi các chiêu thức tuyển sinh, quảng cáo nhằm quảng bá cho thương hiệu của trường," thầy Vận nêu quan điểm.
Cùng quan điểm với thầy Vận, anh Đ.M.C (Linh Đàm, Hoàng Mai), một phụ huynh có con lên lớp 6, cho rằng để giảm bớt áp lực cho con, các phụ huynh phải nghĩ rằng ngôi trường tốt nhất là ngôi trường "phù hợp nhất" với con và gia đình.
Đồng thời, trước kỳ tuyển sinh hãy đưa ra tiêu chí của ngôi trường phù hợp như: văn hóa học tập, khoảng cách so với nơi ở, học phí...
"Đặc biệt, phụ huynh không nên đặt quá nhiều sự kỳ vọng vào một đứa trẻ lớp 5. Chính sự kỳ vọng này sẽ trở thành áp lực của con," anh C. cho biết.
Chia sẻ trên diễn đàn, thầy Đào Việt Cường, một giáo viên ở Hà Nội, cho biết: "Mình là giáo viên cũng nhiều năm ôn thi chất lượng cao nhưng nói thật nhiều phụ huynh ăn thua với các kỳ thi quá! Biết rằng thi cử đánh giá quá trình học và rèn luyện của con nhưng không thể đánh giá hết khả năng của con được. Mình khuyên thật thi cử ở tiểu học hãy xem nó là trải nghiệm, là cọ sát và rèn bản lĩnh. Tất nhiên con đỗ được ngôi trường tốt thì rất vui, bằng không xin các phụ huynh đừng quá áp lực, đừng tự tạo áp lực cho mình rồi đè nén lên các con. Tội lắm!"./.