“Suốt một năm trời tôi cho con đi học thêm và luôn lên dây cót tinh thần cho con về kỳ thi toán, văn vào lớp 6 sẽ rất căng thẳng. Thế nhưng, đùng một cái, trường không thi toán và văn nữa mà thi trắc nghiệm IQ, EQ. Tôi không biết mình phải làm gì lúc này,” chị Nga (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) chia sẻ.
Sẽ có đề thi minh họa?
Với đa số các trường chỉ xét tuyển học sinh trực tiếp từ lớp 5 lên lớp 6 theo đúng tuyến, nhưng một số trường được phụ huynh đánh giá là chất lượng cao, luôn có số thí sinh đăng ký lớn hơn nhiều so với chỉ tiêu được giao. Vì thế, các trường buộc phải thi tuyển. Hình thức thi truyền thống là hai môn văn và toán. Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2015, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấm thi tuyển các môn văn hóa vào lớp 6.
[Tuyển sinh vào lớp 6: Sẽ thi trắc nghiệm IQ, EQ, kỹ năng đồng đội]
Trước lệnh cấm của Bộ, phương án dự kiến của các trường là tuyển đầu vào bằng cách thi trắc nghiệm các chỉ số thông minh IQ, chỉ số cảm xúc EQ, có trường thêm chỉ số vượt khó, tổ chức ngày trải nghiệm…
Thông tin này đã khiến hầu hết phụ huynh đặt mục tiêu cho con vào trường điểm như chị Nga thực sự... hoang mang.
Chị Nga cho biết, từ hè năm ngoái, khi con học hết lớp 4, chuẩn bị vào lớp 5, chị đã dừng cho con học thêm tiếng Anh, chỉ tập trung vào toán và văn. “Tiếng Anh cũng rất quan trọng, nhưng tôi nghĩ giai đoạn này phải đầu tư cho toán và văn để con có thể đỗ kỳ thi tuyển đầu vào của trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, nên vẫn quyết định cho con nghỉ học ngoại ngữ. Giờ lại thay đổi cách thi, tôi tiếc công con vất vả …,” chị Nga buồn rầu nói.
Cũng theo chị Nga, việc thi cử của con luôn là chủ đề chính của gia đình chị trong những ngày này. Chồng chị trước đây không để ý lắm đến việc học của con nhưng bây giờ cũng liên tục lên internet để tìm hiểu thông tin.
“Trường Lương Thế Vinh dự kiến thi cả kiến thức xã hội trong khi các con đi học hầu hết chỉ biết tập trung vào sách vở…Con tôi vẫn đang theo học lớp ôn luyện toán và văn. Tôi đang phân vân không biết có nên cho con nghỉ học và bổ sung kiến thức xã hội qua tivi, sách, báo? Và điều quan trọng hơn là nếu đổi hướng thi mới thì con tôi có thể ôn luyện hình thức thi này ở đâu? Trường có đề mẫu không?” chị Nga lo lắng nói.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, phó giáo sư Văn Như Cương, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Lương Thế Vinh cho rằng, để dự tuyển vào trường, các phụ huynh không cần cho con đi học thêm các lớp ôn luyện với những bài toán “trên trời”. Thay vào đó, phụ huynh nên dành thời gian để giúp con tìm hiểu kiến thức xã hội.
Cũng theo thầy Cương, trước đây, khi phụ huynh đến lấy hồ sơ dự thi, trường đều có phát đề thi các năm trước để thí sinh tham khảo. Năm nay, nếu thay đổi phương án thi, trường dự kiến cũng sẽ có đề thi mẫu để thí sinh làm quen.
Sẽ có đề thi mẫu cũng là khẳng định của bà Vũ Thị Nhung, Phó hiệu trưởng trường Marie Curie. “Chúng tôi hiểu là phụ huynh sẽ rất hoang mang không biết thi trắc nghiệm IQ, EQ là như thế nào. Trường sẽ soạn thảo đề mẫu và công bố công khai vào tuần tới,” bà Nhung nói.
Còn theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu, đánh giá đa năng lực là phương pháp đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng và phụ huynh, học sinh có thể tìm hiểu thêm qua internet.
Liệu có nhiều tiêu cực?
Hình thức thi mới liệu có đảm bảo công khai minh bạch và hạn chế được các tiêu cực cũng là vấn đề được nhiều phụ huynh đặt ra.
“Trước đây trường thi tuyển, thi xong thí sinh dò đáp án cũng phần nào đoán được điểm số. Kết quả thi sau đó cũng được công bố công khai, tính minh bạch rất rõ. Năm nay thay đổi, tôi e sẽ nảy sinh tiêu cực,” chị Nga phân vân.
Lo lắng của chị Nga cũng là câu hỏi được một phụ huynh đặt ra với bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Hiệu trưởng trường Nguyễn Siêu, tại hội nghị về tuyển sinh đầu cấp vừa được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức mới đây: “Trường dự định tổ chức một ngày trải nghiệm, giáo viên đánh giá thông qua quan sát học sinh. Làm sao để những phụ huynh như chúng tôi có thể biết được đánh giá đó là khách quan và công bằng, không có tiêu cực?”.
Trả lời câu hỏi này, bà Thúy cho rằng những băn khoăn của phụ huynh là hoàn toàn đúng trước hình thức thi mới. Tuy nhiên, theo bà Thúy, để có câu trả lời thuyết phục cho phụ huynh thì phải đợi trường thực hiện thí điểm trên học sinh tiểu học của trường Nguyễn Siêu. Sau khi thí điểm với chính học sinh của mình, trường Nguyễn Siêu sẽ triển khai để tuyển thêm thí sinh ngoài trường cho đủ chỉ tiêu vào lớp 6.
Làm sao để đảm bảo được sự công khai cũng là vấn đề mà phó giáo sư Văn Như Cương trăn trở. “Quyết định cấm thi tuyển vào lớp 6 của Bộ là hợp lý, tuy những trường có số thí sinh đăng ký đông như trường tôi sẽ gặp khó khăn. Khó không chỉ ở việc phải nghĩ ra hình thức tuyển mới mà còn ở chỗ kết quả thi phải rõ ràng, minh bạch,” ông Cương chia sẻ.
Theo ông, hình thức thi như mọi năm rất thuận lợi cho trường để phụ huynh, học sinh giám sát. Việc đỗ, trượt cũng rất rõ ràng khi trường chỉ cần căn cứ trên điểm số đã được niêm yết công khai và lấy từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu.
“Dù là hình thức thi nào chúng tôi cũng sẽ phải đảm bảo tính công bằng, khách quan để phụ huynh tin tưởng,” phó giáo sư Văn Như Cương nói./.